Số ca bệnh tăng mạnh dẫn tới khan hiếm vaccine, khiến cơ quan quản lý việc cung cấp vaccine khẩn cấp của WHO phải quyết định tạm thời chuyển phác đồ tiêm chủng hai liều tiêu chuẩn đối với bệnh tả thành phác đồ một liều.

Từ vùng Caribe tới châu Phi, khắp Trung Đông và Nam Á, tin tức về bệnh dịch liên tục đổ về. Bệnh tả lây lan ở cả những quốc gia mà nó vốn là một mối đe dọa thường trực, cùng những nơi mà nó đã không xuất hiện trong hàng thế kỷ nay.

Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng số ca bệnh tả tăng mạnh là do các mô hình thời tiết cực đoan và không thể dự đoán ngày càng tăng, đẩy hàng triệu người phải rời khỏi ngôi nhà của mình trong năm nay.

Các bệnh nhân đang điều trị bệnh tả tại Bệnh viện Trung tâm Gheskio ở Port-au-Prince, Haiti
Các bệnh nhân đang điều trị bệnh tả tại Bệnh viện Trung tâm Gheskio ở Port-au-Prince, Haiti

Ở Nigeria, trong một triệu người đang phải đi tránh lũ trong những tuần gần đây, có ít nhất 6.000 ca nhiễm bệnh tả. Cơ quan chức năng ở Kenya đang báo cáo nghi vấn bệnh tả ở những người trốn chạy khỏi tình trạng bạo lực ở Somalia tới trại tị nạn Dadaab khổng lồ.

Tại Haiti, dịch tả bùng phát khi toàn bộ những người dân tỵ nạn do bạo lực tập trung tại các khu đất trống nhỏ ở Port-au-Prince, dùng chung chỉ một đường ống nước bị nứt. Dịch tả cũng đang bành trướng tại các nhà tù quá tải nghiêm trọng ở đất nước này.

Tại Syria, hàng triệu người lưu vong do nội chiến không được tiếp cận với nước sạch, trong khi nhiều năm chiến trận đã phá hủy cơ sở hạ tầng vệ sinh. Nước thải chưa qua xử lý bị bơm thẳng ra sông Euphrates, trong khi hàng trăm nghìn người sống phụ thuộc vào nguồn nước này. Liên hợp quốc báo cáo hơn 20.000 trường hợp nghi mắc bệnh tả và 75 người đã tử vong.

Cơ chế bệnh tả rất đơn giản nhưng tác động mạnh: nó khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng do nôn mửa và tiêu chảy, cho tới khi nạn nhân chết vì cơn sốc do mất nước đột ngột. Nhưng căn bệnh này không phải là kẻ giết người quá nguy hiểm: acid trong dạ dày sẽ tiêu diệt một lượng nhỏ vi khuẩn bệnh tả trong ruột, do đó hầu hết những người nhiễm vi khuẩn này chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ hoặc không có biểu hiện gì.

Ngay cả những người có biểu hiện nặng hơn, cách điều trị nhanh bằng bổ sung nước qua đường uống hay truyền thường rất hiệu quả, và ở những nơi mà nguồn cung cho các phương pháp này dồi dào, thì không tới 1% người nhiễm tả chết vì bệnh này. Nhưng tình hình hiện nay trên thế giới lại không như vậy: tuy rằng phương cách điều trị tương đối dễ dàng và rẻ tiền, WHO đã lên tiếng cảnh báo rằng con số tử vong do bệnh tả đang tăng với tốc độ đáng lo ngại trong năm nay. Trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nhất, do thể trạng yếu, chúng nhanh chóng chuyển bệnh nặng và suy kiệt nội tạng, nếu không được chữa trị thì có thể tử vong trong vòng chỉ một ngày.

Trên thực tế, số ca bệnh tăng mạnh tới nỗi vào cuối tháng trước, lần đầu tiên Nhóm Điều phối Quốc tế của WHO (ICG), cơ quan quản lý việc cung cấp vaccine khẩn cấp, phải thông báo tạm thời đình chỉ phác đồ tiêm chủng hai liều tiêu chuẩn với bệnh tả: thay vào đó, các nhóm phản ứng y tế sẽ chỉ tiêm một liều cho những người đang cần.

Philippe Barboza, người lãnh đạo chiến dịch đối phó dịch tả của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giải thích, việc tiêm một liều như này không làm giảm khả năng miễn dịch của vaccine, nhưng nó sẽ rút ngắn thời gian bảo vệ. Một liều vaccine bệnh tả giúp miễn dịch từ sáu tháng đến hai năm, trong khi nếu tiêm đủ hai liều cách nhau một tháng thì người lớn được bảo vệ trong bốn năm. Nếu liều thứ hai được tiêm trong vòng sáu tháng, người tiêm được bảo vệ trong ba năm. Nhưng bằng chứng về thời hạn bảo vệ chính xác vẫn còn hạn chế, ở trẻ em thời hạn này ngắn hơn.

Không may là, chỉ có một vài công ty sản xuất vaccine bệnh tả. Phần lớn vaccine bệnh tả trên thế giới do công ty Hàn Quốc EuBiologics sản xuất. Khoảng 15% dự trữ toàn cầu là do Shantha Biotechnics, công ty con ở Ấn Độ thuộc sở hữu của nhà sản xuất thuốc Sanofi (Pháp), nhưng công ty này hai năm trước đã quyết định dừng sản xuất vaccine bệnh tả vào cuối năm nay và dừng nguồn cung vào cuối năm 2023. Còn đối với các công ty có năng lực sản suất, lợi ích về tài chính trước mắt để làm vậy quá thấp vì vaccine bệnh tả rất rẻ - 1,50 USD/liều, gần bằng một phần ba so với vaccine COVID-19. Tuy nhiều công ty hơn đang bắt đầu tham gia vào việc này, nhưng “vẫn thấp so với nhu cầu dù có tăng mạnh việc sản xuất”, Barboza lưu ý.

Với những sự kiện như lũ lụt, hạn hán và chiến tranh như hiện nay, sẽ có rất nhiều người bị đẩy ra khỏi những nơi có nước sạch và cơ sở hạ tầng, tới những chỗ quá đông đúc nơi bệnh dịch hoành hành.

“Đông người đồng nghĩa với nguy cơ nhiễm độc tăng. Mọi người dồn về nơi có nguồn nước duy nhất không được bảo vệ. Họ không có nước sạch để tắm rửa, hay rửa rau, và đó là cái vòng luẩn quẩn”, ông Barboza nói.

Nếu các đợt bùng phát hiện giờ kéo dài thêm sáu tháng thì miễn dịch của những người được tiêm một liều sẽ giảm sút, và họ cần được tiêm lại. Thế nhưng, các yếu tố gây ra bùng phát – mất an ninh và thiên tai – lại khiến việc tiêm chủng khó khăn hơn.



Nguồn: