Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal vào tháng 3/2021, các nhà khoa học từ chương trình Kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT) đã công bố bức ảnh đầu tiên về từ trường xung quanh rìa của một hố đen nằm ở trung tâm thiên hà Messier 87, cách Trái đất 55 triệu năm ánh sáng.
Bức ảnh này cho thấy rõ cấu trúc và hướng của từ trường trong khối khí xoáy tròn bên ngoài chân trời sự kiện của hố đen.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng mạng lưới 8 kính viễn vọng vô tuyến trên khắp thế giới để tạo ra một kính thiên văn ảo có kích thước bằng Trái đất. Họ lập bản đồ từ trường xung quanh hố đen bằng cách sử dụng sóng ánh sáng phân cực, hoặc sóng ánh sáng dao động trong một mặt phẳng duy nhất.
“Tất cả các thiên thể từ Trái đất, Mặt trời, cho đến các thiên hà đều có từ trường. Trong trường hợp của các hố đen, từ trường kiểm soát tốc độ chúng tiêu thụ vật chất rơi vào bên trong và cách thức chúng phóng ra một số loại vật chất tạo thành những chùm tia hẹp di chuyển với vận tốc gần bằng tốc độ ánh sáng”, Geoffrey C. Bower, nhà khoa học thuộc dự án EHT, cho biết.
Nguồn: Foxnews.com
Quốc Hùng thực hiện