Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu cho biết, ngày 22/7/2024 là ngày nóng nhất kể từ khi con người bắt đầu ghi chép nhiệt độ trung bình toàn cầu kể từ năm 1940.

Nhiệt độ không khí bề mặt trung bình hàng ngày trên toàn cầu cho năm 2024 (đỏ), 2023 (cam) và tất cả các năm từ 1940 đến 2022 (màu xám). Ảnh: C3S / ECMWF
Nhiệt độ không khí bề mặt trung bình hàng ngày trên toàn cầu cho năm 2024 (đỏ), 2023 (cam) và tất cả các năm từ 1940 đến 2022 (màu xám). Ảnh: C3S / ECMWF

Nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu vào ngày hôm đó tăng vọt lên mức 17,16°C, cao hơn kỷ lục được thiết lập trước đó chỉ một ngày (17,09°C) và vượt qua kỷ lục 17,08°C vào ngày 6/7 năm ngoái.

Cũng theo dữ liệu của C3S, nhiệt độ trung bình của mỗi tháng trong 13 tháng qua đều cao hơn 1,5°C so với mức nhiệt trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Không có gì ngạc nhiên khi năm 2024 nhiều khả năng sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu tối đa hàng ngày hàng năm trong 50 năm qua (1974 đến 2024). Ảnh: C3S / ECMWF.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu tối đa hàng ngày hàng năm trong 50 năm qua (1974 đến 2024). Ảnh: C3S / ECMWF.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu thường đạt đỉnh hằng năm vào cuối tháng 6 và đầu tháng 8, khi mùa hè diễn ra ở Bắc Bán cầu – nơi có diện tích đất liền lớn hơn nhiều so với Nam Bán cầu. Nhiệt độ ở các khu vực đất liền của Bắc Bán cầu tăng nhanh hơn so với đại dương, do đó góp phần làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu.

“Với xu hướng khí hậu ấm lên do phát thải khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến ​​những kỷ lục mới bị phá vỡ trong những tháng và năm tới”, Carlo Buontempo, Giám đốc C3S, nhận định.

Nguồn: iflscience, Newatlas

Đăng số 1303 (số 31/2024) KH&PT