Các nhà khoa học cho rằng có thể có một phản ứng hóa học đang tạo ra oxy từ dưới đáy biển, nhưng họ vẫn chưa hiểu rõ nguồn năng lượng nào cung cấp cho phản ứng đó.

Một nguồn "oxy tối" đã được phát hiện dưới đáy biển. Ảnh: Cavan/Getty
Một nguồn "oxy tối" đã được phát hiện dưới đáy biển. Ảnh: Cavan/Getty

Trong bài báo được công bố trên tạp chí Nature Geoscience vào ngày 22/7, một nhóm nghiên cứu quốc tế phát hiện các khoáng chất kim loại ở đáy đại dương có khả năng tạo ra oxy ở độ sâu lên tới 4km.

Tại Vùng Clarion-Clipperton (CCZ), một khu vực ở đáy Thái Bình Dương, các nhà khoa học tìm thấy những khối đá cổ đại có kích thước bằng quả mận gọi là các nốt đa kim loại. Thành phần chủ yếu của chúng là những kim loại như coban, niken, đồng, lithium và mangan – tất cả đều là những nguyên tố quan trọng được sử dụng trong pin.

Các nốt đa kim loại đóng vai trò như một loại pin địa chất tự nhiên, có khả năng điện phân nước biển để tạo thành oxy và hydro.

Để sự sống hiếu khí bắt đầu trên hành tinh này, cần phải có sự xuất hiện của oxy, và trước đây giới khoa học cho rằng nguồn cung cấp oxy của Trái đất bắt đầu từ các sinh vật quang hợp, chẳng hạn như thực vật và tảo.

“Nhưng hiện tại chúng ta biết rằng oxy có thể hình thành ở vùng biển sâu, nơi không có ánh sáng Mặt trời. Do đó, chúng ta cần xem xét lại các câu hỏi như: Sự sống hiếu khí có thể bắt đầu từ đâu?”, Andrew Sweetman, thành viên của nhóm nghiên cứu, nhận định.

Đăng số 1302 (số 30/2024) KH&PT