Các kho chứa dầu ở đất liền và cả trên biển đang dần hết công suất. Điều này cũng đẩy chi phí lưu kho, thuê tàu lên cao khiến thị trường dầu mỏ tương lai trở nên rủi ro hơn.

Ảnh vệ tinh chụp cảng Rotterdam với 38 bể dầu Silo tại hai thời điểm trước và trong dịch Covid-19. Bể khoanh màu đỏ là những bể còn sức chứa, trong khi đó bể khoanh màu xanh là các bể đã đầy. | Nguồn: LiveEO/UP42
Ảnh vệ tinh chụp cảng Rotterdam với 38 bể dầu Silo tại hai thời điểm trước và trong dịch Covid-19. Bể khoanh màu đỏ là những bể còn sức chứa (có bóng đổ giữa thành bể và nắp đậy), trong khi đó bể khoanh màu xanh là các bể đã đầy (không có bóng đổ trên nắp đậy). | Nguồn: LiveEO/UP42

Tàu biển trở thành kho chứa dầu

Đại dịch corona virus đã tác động mạnh mẽ đến sự sụt giảm tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới. Mặc dù các nước OPEC+ đã cắt giảm khai thác dầu nhưng vẫn không đủ để chặn đứng tình trạng “tràn ngập dầu” trên thế giới.

Vào cuối tháng 4/2020, kho chứa của Vopak ở Rotterdam, một doanh nghiệp lưu trữ dầu mỏ hàng đầu thế giới không lệ thuộc vào tập đoàn nào, hiện đã đầy ắp. Giám đốc tài chính của công ty tiết lộ rằng đã bán sạch sành sanh mọi khả năng chứa dầu. Vopak điều hành một mạng lưới toàn cầu gồm 68 kho bãi với tổng dung lượng chứa là 35,5 triệu mét khối, phân bố dọc theo các tuyến đường thương mại quan trọng.

Tuy nhiên không chỉ các kho chứa ở Rotterdam, mà ở khắp nơi trên thế giới đều nhanh chóng đầy ắp dầu mỏ. Do các kho chứa dầu thô trên đất liền đã đầy ắp nên nhiều công ty như Vopak buộc phải biến các tầu chở dầu trên biển thành kho chứa nổi.

Dầu thô còn có tên là dầu Otto thường được các doanh nghiệp cất giữ trong các kho dầu (Silo) có nắp thả nổi. Cái bóng hiện lên ở phía trong trong các bức ảnh chụp từ vệ tinh giúp ta thấy sự đầy hay vơi của các kho dầu đó. Khi bể dầu Silo đầy, thì nắp nổi ở trên và bờ silo không tạo ra bóng của mình. Các bức ảnh từ vệ tinh cho thấy tác động của tình trạng này trên các đại dương và bến cảng.

Orbital Insight, công ty phân tích dữ liệu không gian địa lý có trụ sở tại California, Mỹ, đã ước tính lượng dầu thô trong các bể nổi của tầu chở dầu lên tới trên 3,2 tỷ thùng so với hồi tháng giêng là 2,95 tỷ thùng. Kết quả quan trắc này cho thấy số dầu đang lênh đênh trên biển tương đương ít nhất 70% dung lượng kho chứa trên bờ.

Các bức ảnh vệ tinh của công ty LiveEO có trụ sở ở Đức cũng thể hiện xu hướng tương tự. Trong bức hình vệ tinh ở cảng Rotterdam, Hà Lan ngày 19/4, chỉ có 15 bể dầu Silo có mái nằm thấp tạo bóng đổ, nghĩa là Silo chưa đầy. Ngược lại có 38 bể dầu đã đầy vì không có bóng, nghĩa là 60% khu vực này đã khai thác hết công suất. Trong khi đó theo ảnh trước đó một năm, mới chỉ có khoảng 36% công suất bể chứa được khai thác.

Tại cảng Rotterdam, các tầu chở dầu không chỉ ùn ứ bên trong cảng mà cả ở đường dẫn vào cảng. Theo Richard Matthews, nhà phân tích trưởng hãng môi giới tầu biển Gibson ở London, thì trong cảng đang có vấn đề về bốc dỡ dầu ở các tầu đã vào cảng do thiếu kho chứa, dẫn đến ùn tắc ở lối vào. Tình hình có khả năng còn nghiêm trọng hơn vì các chuyến hàng từ Ấn độ và Trung Đông đang trên đường về.

Tầu chở dầu bị ùn ứ không chỉ diễn ra ở cảng Rotterdam. Hàng chục tầu đang trôi nổi ở Biển Bắc và trong kênh Ärmelkanal ở Bỉ. Ngay cả biển Địa Trung Hải và các cảng nhỏ như Marseille cũng có tầu xếp hàng chầu chực.

Ở Mỹ, theo chuyên gia phân tích về năng lượng Henik Fung của hãng Bloomberg, các kho chứa dầu có thể sẽ dùng hết 95% công xuất (khoảng 735 triệu thùng) vào tháng 5, tăng 46% so với thời điểm 10/4. Tại Cushing, Oklahoma, địa điểm trung chuyển quan trọng nhất đối với loại dầu WTI, các kho chứa đến cuối tháng hai đã đạt 55 triệu thùng, trên tổng công xuất khu kho là 76 triệu thùng, tức đầy trên 72%.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phát biểu "Đây là thời điểm tuyệt vời để mua dầu". Nếu không có sự trợ giúp của Washington và Ngân hàng trung ương Hoa kỳ Fed mua vào trái phiếu thì toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ có nguy cơ phá sản vì cú vấp ngã do dịch Covid-19 này. Các nhà khai thác hiện có khoản nợ lên tới gần 1.000 tỷ USD. Tổng thống Trump muốn xin Quốc hội cho phép mua dầu vào tăng dự trữ, và muốn cho doanh nghiệp tư nhân được sử dụng kho chứa dầu của nhà nước.

Do năng lực kho chứa trên bờ gần hết nên ngày càng có nhiều tầu chở dầu được thuê làm kho chứa dầu nổi. Theo hãng môi giới tầu biển hàng đầu thế giới Clarkson PLC có trụ sở ở London, hiện có khoảng 200 triệu thùng dầu được cất giữ trên biển. Trên 10% trong số 750 tầu chở dầu khổng lồ VLCC trên thế giới (sức chứa 2 triệu thùng dầu) đang hoạt động hiện được dung làm kho chứa dầu nổi.

Tàu chở dầu (khoanh đỏ) đỗ quanh khu vực cảng Singapore ngày 20/4/2020| Ảnh: LiveEO/Sentinel
Tàu chở dầu (khoanh đỏ) đỗ quanh khu vực cảng Singapore ngày 20/4/2020 | Ảnh: LiveEO/Sentinel

Nhà phân tích Matthews Gibson nhận xét thông thường những tầu dầu này đỗ gần nới tiêu thụ, thí dụ ở khu vực xung quanh Singapore, tuy nhiên tàu phải đỗ ở các khu vực khác cũng đang gia tăng.

Ở hải cảng Singapore trải dài hơn 30km với nhiều khu cho loại hình vận tải khác nhau có các đảo phụ với cấu trúc xây dựng thích hợp để thực hiện chức năng trung chuyển hay là điểm bốc dỡ hang hoá. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy hàng chục tàu đỗ gần cơ sở lọc dầu và kho chứa dầu do ExxonMobil và Shell xây cất, cùng khu vực biển lân cận, mặc dù không thể biết chúng là tầu chở dầu hay đã trở thành kho chứa dầu nổi.

Rủi ro của thị trường dầu mỏ

Thay vì tung dầu thô ra thị trường, các nhà kinh doanh dầu mỏ, các quỹ đầu cơ và nhà đầu tư tìm cách ghim hàng với hy vọng sau này bán ra được giá hơn. Điều này vẫn có lợi chừng nào mức chênh giữa giá hiện tại và giá trên thị trường tương lai vượt quá chi phí lưu kho.

Ví dụ, một thùng dầu WTI trên sàn giao dịch Nymex ở New York để giao vào tháng 6/2020 có giá ở mức 15,17 USD, nhưng hợp đồng để giao cho tháng 6/2021 có giá tới 32,68 USD. Nếu số hợp đồng dài hạn ghi nhận nhiều hơn số hợp đồng sắp đáo hạn, thì một đường cong bù hoãn mua (contango) sẽ xuất hiện theo thời gian. Điều này mang lại rủi ro suy giảm giá trong tương lai, tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt cho các nhà đầu tư nhỏ có thể phải mất tiền ngay cả trong trường hợp thị trường tương lai tương đối ổn định.

Bù hoãn mua không vượt quá chi phí lưu trữ, tuy vậy chi phí này có thể biến động khá lớn. Chẳng hạn, một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp OPEC+ bị thất bại hồi đầu tháng 3/2020, tiền thuê kho một ngày đối với loại tầu chở dầu lớp VLCC là 30.000 USD/ngày. Sau đó, giá thuê đã leo thang lên đến 300.000 USD/ngày và có hôm đạt đỉnh 400.000 USD/ngày, mức cao nhất trong vòng 15 năm gần đây. Hiện mức giá thuê kho giao động ở 165.000 USD/ngày nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm gần đây.

Khai thác dầu

Nếu tình hình này duy trì, không ít bên liên quan sẽ gặp khó khăn. Việc hãng thương mại dầu mỏ Hin Leong Trading ở Singapore và công ty tàu chở dầu Ocean Tankers của nó mới tuyên bố phá sản vào giữa tháng 4/2020 càng làm cho nguồn cung tàu chở dầu trên thế giới eo hẹp hơn và làm đội giá thuê tàu lên.

Ocean Tankers có 82 chiếc tàu trong đó 14 chiếc thuộc lớp siêu lớn VLCC. Họ từng là công ty đứng thứ 17 về lượng chở dầu thế giới. Các hãng tàu chở dầu cỡ lớn VLCC khác như China Cosco, DHT, Euronav, Frontline, Mitsui OSK, NYK và Teekay đang trở thành đối tượng hấp dẫn của các nhà đầu tư. Thêm vào đó, khi thị trường cung tàu chở dầu lớp VLCC bị thu hẹp lại thì giá thuê tàu cỡ nhỏ hơn như lớp Suezmax và Aframax (chứa từ 500.000 - 800.000 thùng dầu) cũng sẽ tăng lên.

Điều có ý nghĩa quyết định đối với nhu cầu tầu chở dầu về trung và dài hạn là liệu các nước OPEC+ có tái quản lý được thị trường dầu mỏ trong bối cảnh phong tỏa trên toàn thế giới và giảm tác động của đường Contango được hay không. Tuy nhiên hiện nay, lượng cầu dầu mỏ đang rơi mạnh, thậm chí giá về mức âm. Các nước OPEC+ phải đối mặt với tình trạng dồn ép chính trị về cắt giảm sản xuất. Và nếu như virus corona tiếp tục kéo dài hoặc hoành hành trở lại trong mùa đông tới thì nhu cầu sẽ tiếp tục giảm và các nước OPEC+ sẽ còn phải chịu đựng áp lực lâu dài và khó khăn hơn.