Sau khi mở cửa lại, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng cao hơn so với năm ngoái - 5,1% so với 3%.
Tăng trưởng ở các quốc gia ngoài Trung Quốc sẽ chững lại ở mức 4,9%, thấp hơn so với tốc độ phục hồi mạnh hậu Covid-19 là 5,8% vào năm 2022, do lạm phát và nợ của hộ gia đình tăng tại một số quốc gia, gây ảnh hưởng đến tiêu dùng.
Một số nền kinh tế lớn như Indonesia, Philippines, Việt Nam có thể sẽ đạt tăng trưởng ở mức khiêm tốn hơn so với năm 2022.
Ngân hàng Thế giới đánh giá, kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương tăng trưởng chủ yếu nhờ tiêu dùng tư nhân và xuất khẩu hàng hóa. Nhưng hiện có các dấu hiệu sức cầu trong nước và bên ngoài đang yếu đi.
Đồng thời, áp lực lạm phát liên tiếp ở Mỹ hiến điều kiện huy động tài chính trên toàn thế giới bị thắt lại, bao gồm cả khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Để xử lý áp lực lạm phát, một số quốc gia trong khu vực đã nâng lãi suất trong nước, qua đó giúp hạ nhiệt tình trạng đồng nội tệ mất giá và dòng vốn dịch chuyển ra khỏi quốc gia. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo thêm áp lực tài chính mới cho các ngành kinh tế.
Dù lãi suất ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương hiện vẫn thấp hơn so với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi khác, nhưng xu hướng tăng trong thời gian gần đây sẽ phần nào ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư.
Ba thách thức lớn trước mắt
Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương hiện phải đối mặt với ba thách thức lớn về toàn cầu hóa bị đảo ngược, già hóa, và biến đổi khí hậu.
Trước hết, sau một thời gian dài gặt hái được lợi ích to lớn của thương mại toàn cầu và hội nhập quốc tế, đến nay khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ, chia rẽ về thương mại và bất định về chính sách. Mặc dù các nước trong khu vực đang được hưởng lợi từ việc chuyển hướng thương mại do căng thẳng Trung-Mỹ, nhưng sự căng thẳng ngày càng sâu sắc giữa các đối tác thương mại lớn có thể cản trở dòng chảy thương mại, đầu tư và lan tỏa công nghệ/tri thức trong toàn khu vực.
Thứ hai, chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 30 năm nữa, sẽ có thêm nhiều quốc gia Đông Á – Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, bước vào thời kỳ dân số già, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, cân đối tài khóa và hệ thống chăm sóc sức khỏe của mỗi nước.
Cuối cùng, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đặc biệt có nguy cơ với rủi ro khí hậu, một phần do mật độ dân số và hoạt động kinh tế cao dọc các vùng duyên hải. Đáng nói hơn nữa, nhiều nước trong khu vực vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của biến đổi khí hậu.
Khó khăn của cải cách chặng cuối
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (AFC) năm 1997, tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương vẫn cao và ổn định hơn so với hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới. Trong hai thập kỷ qua, toàn bộ khu vực đã chuyển thành nền kinh tế thu nhập trung bình thấp hoặc cao.
Điều này có được là nhờ quản lý kinh tế vĩ mô lành mạnh và quá trình cải cách cơ cấu thực chất trước đó. Tuy nhiên, các cải cách này chưa thiên nhiều về cải cách cơ cấu, đặc biệt là những chuyển đổi cơ cấu dẫn đến tăng năng suất. Cụ thể, khu vực Đông Á – Thái Bình Dương trở nên thịnh vượng hơn là nhờ mở cửa thương mại và đầu tư cho chế tạo chế biến, nhưng vẫn e dè trong việc tự do hóa các lĩnh vực dịch vụ.
Năng suất lao động của khu vực có tăng nhưng vẫn bị hạn chế, bởi mức tăng chủ yếu đến từ việc thâm dụng vốn cao hơn so với tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) – tức các nhân tố về trình độ công nghệ.
Tại các nền kinh tế lớn, người lao động chủ yếu là nông dân có năng suất thấp chuyển sang các lĩnh vực dịch vụ có năng suất dưới trung bình, chứ chưa dịch chuyển nhiều sang các lĩnh vực dịch vụ và chế tạo chế biến đem lại năng suất cao nhất.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh nhiều ứng dụng của cách mạng công nghệ số, góp phần tạo ra sự chuyển đổi trong các lĩnh vực dịch vụ. Ngày càng nhiều dịch vụ có thể tham gia thương mại quốc tế, và sự xuất hiện của các nền tảng số đang chuyển đổi thậm chí cả các dịch vụ trong nước, từ bán lẻ và tài chính cho đến vận tải và du lịch. May mắn là những thay đổi đó đang góp phần nâng cao năng suất trong các lĩnh vực dịch vụ.
Trong bất kỳ trường hợp nào, mở cửa với công nghệ mới đòi hỏi phải có những cải cách thân thiện với thị trường. Tuy nhiên, nhịp độ cải cách ở hầu hết các quốc gia ở chừng mức nào đó, đã chững lại như hệ quả của quá trình tự do hóa mạnh mẽ trước đó, khiến cho dư địa cải cách không còn nhiều, đặc biệt là những cải thiện “chặng cuối” đầy khó khăn về mặt chính sách.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận xét, việc xử lý các "khoảng cách cải cách" đáng kể giữa khu vực Đông Á – Thái Bình Dương với các nền kinh tế phát triển, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ, có "ý nghĩa sống còn" cho tăng trưởng của khu vực này trong tương lai.
Theo các nhà phân tích của Ngân hàng Thế giới, để giải quyết các vấn đề ngắn và dài hạn nêu trên, các nước Đông Á – Thái Bình Dương cần thực hiện 4 loại hành động chính sách:
- Cải cách tài chính vĩ mô để hỗ trợ phục hồi hôm nay và tăng trưởng bao trùm ngày mai,
- Cải cách cơ cấu để thúc đẩy đổi mới và năng suất trong toàn bộ nền kinh tế,
- Cải cách liên quan đến khí hậu để tăng cường khả năng phục hồi thông qua thích ứng,
- Hợp tác quốc tế về giảm nhẹ biến đổi khí hậu và để đảm bảo sự cởi mở đối với thương mại, đầu tư, và dòng chảy công nghệ - lý tưởng là hợp tác đa phương, nhưng cũng có thể là hợp tác khu vực hoặc song phương.
Tài liệu: