Cuộc thi VietChallenge cho các startup Việt trên toàn thế giới đã đi đến hồi kết. Trong những đội xuất sắc nhất đều có những nữ tướng đầy tài năng. Cùng KH&PT khám phá xem những vị nữ tướng này là ai nhé!

1. Emmay - Giải pháp làm sạch Trái Đất từ nấm của startup Việt

Founder: Phạm Vân


Emmay, một startup từ Việt Nam tạo ra các vật liệu phân huỷ sinh học, đang hướng đến việc thay đổi cách thức người Việt bảo vệ môi trường. Emmay hi vọng sẽ đưa đất nước hướng đến hạn chế nhựa bằng cách sử dụng nguồn nguyên liệu vô cùng phong phú ở Việt Nam – nấm.


Một số người cho rằng việc hạn chế nhựa thật sự rất khó thực hiện bởi vì nhựa đã trở thành một thứ không thể thiếu trong đời sống và con người phụ thuộc vào nó rất nhiều. Nhưng Emmay vẫn muốn thay đổi điều này bằng công nghệ sinh khối nấm của họ. Emmay đã làm việc với các nhà khoa học và các công ty trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, nông nghiệp để phát triển các sản phẩm và đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể tiếp cận sản phẩm với giá tiền hợp lý. Họ hy vọng các sản phẩm của mình cạnh tranh với nhựa, thậm chí sẽ có giá thấp hơn nhiều vì các doanh nghiệp sẽ không cần phải trả thuế bảo vệ môi trường như khi sử dụng nhựa.


Trong kế hoạch cho bước đi đầu tiên của mình, startup này hi vọng sẽ thay thế các bao bì và sản phẩm cách điện làm từ nhựa bằng sản phẩm thân thiện với môi trường của mình.


Chia sẻ về đội ngũ của Emmay, Vân nói rằng: “Thế giới có bảy tỷ người, mình nghĩ không phải dễ để tìm ra những người chia sẻ chung giá trị và sẵn sàng đi với bạn tới cùng. Và cũng không phải startup nào cũng có được may mắn như vậy. Nó không chỉ may mắn, mà còn phải đúng thời điểm.”


Lại nói về chuyện đúng thời điểm, tháng 8 năm nay, Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Việt Nam hướng đến sẽ không sử dụng nhựa một lần vào năm 2020. Đây cũng là điều giúp cho Emmay thêm tin tưởng và củng cố cho tầm nhìn của họ.


2. Tubudd - Nền tảng du lịch địa phương

Founder: Vũ Thị Thái An



Tubudd là một nền tảng trực tuyến giúp kết nối khách du lịch với người dân địa phương. Ý tưởng về Tubudd đến với An sau chuyến đi đáng nhớ với hai người bạn Canada của cô tại Việt Nam. Chuyến đi không chỉ giúp An hiểu hơn về tình trạng thực tại của ngành du lịch Việt, mà còn truyền thêm cảm hứng cho cô giải quyết những vấn đề mà du khách nước ngoài gặp phải.


Để giúp mình khác biệt với những đối thủ cạnh tranh, Tubudd đưa ra quy trình đặt phòng an toàn trên 14 quốc gia và cung cấp cho khách hàng trải nghiệm du lịch thân thiện và cá nhân hoá. Khách du lịch có thể vào Tubudd để tìm kiếm và tùy chọn hướng dẫn viên người địa phương dựa trên khả năng ngân sách và sở thích của họ. Những ứng viên muốn làm hướng dẫn viên cũng đều phải vượt qua vòng kiểm tra để đảm bảo về kiến thức văn hoá, ngoại ngữ và đặc biệt là khả năng linh động thay đổi hành trình dựa trên sở thích của du khách. Sau mỗi chuyến đi, hướng dẫn viên sẽ được đánh giá và gửi phản hồi.


An thật sự mong rằng những thế mạnh trên sẽ giúp thúc đẩy công việc kinh doanh của mình vì họ là một trong những công ty đầu tiên tiên phong trong việc đưa công nghệ vào dịch vụ du lịch.


Tuy nhiên, mục tiêu chính của Tubudd là giúp cho du khách tận hưởng trọn vẹn chuyến đi của họ với những trải nghiệm bản địa đặc trưng, thay vì phải phụ thuộc vào công nghệ. An nhấn mạnh: “Trong thời đại công nghệ hiện nay, khách du lịch thường phụ thuộc vào GPS và Google để tìm kiếm thông tin. Ai cũng biết rằng công nghệ đang dần thay thế con người. Nhưng đối với cá nhân, mình muốn sử dụng công nghệ như một phương tiện để kết nối mọi người. Mình mong muốn khách du lịch sẽ đặt điện thoại và internet sang một bên và kết nối trực tiếp với người dân bản địa để khám phá về phong tục địa phương, thay vì phụ thuộc vào công nghệ.”


3. Smilee - Cuộc phiêu lưu để thay đổi vấn đề răng miệng

Founder: Nguyễn Kiều Linh



85% trẻ em Việt nam bị sâu răng và 90% gặp vấn đề về răng miệng. Con số này ngày càng tăng cao mỗi năm, nhưng phần lớn người Việt lại không đến nha sĩ thường xuyên. Vậy làm thế nào để giúp họ giải quyết vấn đề?

Smilee đưa ra một chiến lược giúp người Việt chăm sóc sức khỏe răng miệng thuận tiện hơn và có giá cả phải chăng. Smilee tính phí 30 USD, tương đương khoảng 700 ngàn tiền Việt, cho một bộ làm trắng răng. Sản phẩm được vận chuyển đến tận nhà và người dùng hoàn toàn có thể tự sử dụng và quản lý một cách dễ dàng. So với dịch vụ làm trắng răng tại nha sĩ trị giá từ 2 đến 3 triệu ở Việt Nam, bộ làm trắng răng của Smilee hoàn toàn phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng.

Hơn nữa, công nghệ làm trắng răng của họ, sử dụng công nghệ ánh sáng LED, tăng cường hiệu quả của gel làm trắng răng. Do đó, theo như Smilee, người dùng thường thấy sự khác biệt trong 6 ngày sử dụng, hiệu quả nhanh hơn nhiều lần so với các dịch vụ làm trắng răng khác - thường phải mất 20 ngày. Vậy nên, sản phẩm của họ không chỉ trẻ hơn, thuận tiện hơn mà còn hiệu quả hơn rất nhiều.

Chiến lượt này đã thành công trong việc giúp mọi người quan tâm đến răng miệng của mình. Từ khi ra mắt sản phẩm, Smilee đã có hơn 4.000 khách hàng. Là startup duy nhất cung cấp dịch vụ làm trắng răng tại châu Á, Smilee đang hướng tới thị trường châu Á được định giá 23 tỉ đô.

4.Medlink – Ngườithay đổi cuộc chơi trong ngành dược phẩm Việt Nam


Founder: Nguyễn Thị Ngọc Huyền



Chăm sóc sức khoẻ tại nhà đang là một trong những ngành phát triển nhanh nhất ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Business Monitor Internation. Chi phí chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam ước tính khoảng 16.1 tỉ USDvào năm 2017 và dự kiến sẽ phát triển thêm 12.5% mỗi năm, lên 22.7 tỉ USD vào năm 2021, chiếm hơn 10% tỉ trọng GDP của quốc gia. Ngành thiết bị y tế và công ty dược sẽ chứng kiến sự tăng trưởng hai chữ số trong năm 2019 nhờ các chính sách mới và hiệp định thương mại tự do.

Mặc dù việc gia nhập vào ngành này không hề đơn giản vì đòi hỏi trình độ hiểu biết và chuyên môn kinh doanh cao, Medlink Vietnam là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy “người chơi” trong lĩnh vực này đang thúc đẩy sự thay đổi trong cách thức sản xuất và phân phối đến người dùng, cũng như thói quen sử dụng thuốc tại Việt Nam.

Trước khi sáng lập Medlink, nhà sáng lập Nguyễn Thị Ngọc Huyền đã có thời gian dài làm việc tại Ecomedic, một trong những cộng đồng chăm sóc sức khoẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam. Kinh nghiệm làm việc tại Ecomedic đã giúp Ngọc Huyền có cơ hội thấy được những vấn đề xuất hiện bởi chính sản phẩm và người dùng, đặc biệt là trong khâu phân phối sản phẩm. Do đó, Medlink được xây dựng để giải quyết các vấn đề đang mắc phải trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhờ vào việc kết nối nhà thuốc với các công ty dược và người tiêu dùng.

Là một nền tảng B2B, Medlink cung cấp ứng dụng và website của các công ty dược cho nhà thuốc, cho phép các nhà thuốc nhỏ và vừa có thể đặt hàng trực tiếp từ công ty mà không phải trải qua các khâu trung gian. Đổi lại, các công ty dược sẽ có thể quản lý và vận chuyển đơn hàng, giảm chi phí và nguồn nhân lực, cũng như hỗ trợ khách hàng dễ dàng và hiệu quả hơn.

Kể từ khi được thành lập từ tháng 12 năm 2018, Medlink đã hợp tác với hơn 18 công ty dược và 4000 nhà thuốc tại Việt Nam. Về lâu dài, họ mong rằng có thể chạm đến các khách hàng cá nhân. Khi sử dụng Medlink, khách hàng cá nhân có thể đặt hàng các loại thuốc thông thường mà không cần phải trực tiếp đến nhà thuốc, do đó giảm được thời gian, chi phí và các rắc rối khi mua thuốc.

Mặc dù có tuổi đời khá trẻ, Medlink đang là một ngôi sao khởi nghiệp mới nổi cả trong và ngoài nước. Năm 2018, Medlink được bình chọn là một trong 3 nền tảng hàng đầu tại TechFest Vietnam, được tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ. Startup vừa thắng cuộc tại Techsauce Global Summit 2019 ở Bangkok và nhận 30000 USD tiền mặt và cơ hội tham gia Chinaccelerator, một trong những trung tâm tăng tốc khởi nghiệp xuyên quốc gia ở Thượng Hải.

*Ảnh từ BTC