Dự án có tên "Samudrayaan" giúp biến tham vọng của Ấn Độ thành hiện thực vào 2021 hoặc 2022, với một thiết bị lặn mang theo 3 người lặn xuống độ sâu 6.000m và có thể di chuyển trên đáy biển.

"Samudrayaan" là dự án sẽ biến tham vọng khám phá biển sâu của Ấn Độ thành hiện thực. (Nguồn: ndtv.com)
"Samudrayaan" là dự án sẽ biến tham vọng khám phá biển sâu của Ấn Độ thành hiện thực. (Nguồn: ndtv.com)

Hãng thông tấn PTI ngày 1/9 đưa tin Ấn Độ sẽ triển khai dự án khám phá biển sâu với mục tiêu đưa người xuống độ sâu 6.000m.

Giám đốc Viện Công nghệ Đại dương Quốc gia Ấn Độ MA Atmanand cho biết dự án có tên "Samudrayaan" sẽ giúp biến tham vọng của Ấn Độ thành hiện thực vào năm 2021 hoặc 2022. Theo đó, thiết bị lặn mang theo 3 người sẽ lặn xuống độ sâu 6.000m và có thể di chuyển trên đáy biển.

''Samudrayaan'' là một phần trong dự án thí điểm của Bộ Khoa học Trái đất để khai thác đại dương sâu nhằm tìm kiếm các khoáng sản quý hiếm.

Thành công của dự án trị giá 200 crore rupi này (tương đương 28 triệu USD) sẽ giúp Ấn Độ gia nhập liên minh các quốc gia phát triển trong thăm dò khoáng sản từ các đại dương.

Ấn Độ đã được Cơ quan đáy biển quốc tế phân bổ 75.000 km2 đáy biển tại lòng chảo Trung Ấn Độ Dương để tiến hành các hoạt động thăm dò.

Khu vực này có lượng khoáng chất ước tính 380 triệu tấn bao gồm 4,7 triệu tấn niken, 4,29 triệu tấn đồng, 0,55 triệu tấn coban và 92,59 triệu tấn mangan.

Theo ông Atmanand, hiện tàu ngầm chỉ có thể lặn sâu 200m./.