Vào ngày 18/11, đại diện của hơn 60 quốc gia tại Hội nghị Cân nặng và Đo lường (CGPM) lần thứ 27 tổ chức ở Versailles, Pháp, đã bỏ phiếu thông qua việc bổ sung bốn tiền tố số liệu mới vào Hệ đơn vị quốc tế (SI) để thể hiện các phép đo lớn nhất và nhỏ nhất trên thế giới.

Tham gia vào hàng ngũ các tiền tố thường gặp hiện nay như “kilo” và “milli” là các tiền tố mới bao gồm “ronna” và “quetta” dùng cho những số rất lớn, trong khi “ronto” và “quecto” dùng cho những số rất nhỏ. Cụ thể, ronna biểu thị mười mũ hai bảy (10^27), quetta (10^30), ronto (10^-27) và quecto (10^-30).

Các tiền tố thường được sử dụng cùng với bảy đơn vị cơ sở bao gồm: giây, mét, gram, ampe, kelvin, mol và candela. Ví dụ, chúng ta gọi một kilomet thay cho một nghìn mét, hoặc một milimet thay cho một phần nghìn mét.

“Theo cách gọi mới, Trái đất nặng xấp xỉ sáu ronnagram (6×10^27 gram) và sao Mộc nặng khoảng 2 quettagram (2×10^30 gram)”, Richard Brown, người đứng đầu bộ phận đo lường tại Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia của Vương quốc Anh, cho biết.

Đây là lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ, các nhà khoa học đã thêm các tiền tố mới vào Hệ đơn vị quốc tế (SI). Các tiền tố lớn mới cập nhật sẽ đáp ứng quy mô ngày càng tăng của khoa học dữ liệu và lưu trữ kỹ thuật số, trong khi các tiền tố nhỏ sẽ hữu ích cho khoa học lượng tử và vật lý hạt.

Nguồn: Sciencealert, iflscience