Ngày 26/12, hãng tin BBC của Anh đã công bố 8 sự kiện khoa học và môi trường nổi bất nhất của năm 2017. Đứng đầu trong các sự kiện này là phát hiện sóng hấp dẫn từ vụ va chạm giữa hai ngôi sao "chết.".
Năm 2017, các nhà khoa học đã dò ra sóng hấp dẫn của Einstein từ một nguồn mới - sự va chạm của hai ngôi sao "chết," hay còn gọi là sao neutron.
Phát hiện đầu tiên về sóng này được công bố năm 2016, khi nhóm nghiên cứu thuộc dự án LIGO mô tả sự giãn nở của không gian thông qua sự hợp nhất của hai hố đen cách xa nhau. Kết quả được ca ngợi như là xuất phát điểm cho một ngành mới của thiên văn học, sử dụng sóng hấp dẫn để thu thập dữ liệu về các hiện tượng vũ trụ. Vụ nổ xảy ra trong một dải thiên hà thuộc chòm sao Hydra cách Trái Đất hàng tỷ tỷ km.
Một số thông số đáng kinh ngạc được ghi nhận xung quanh vụ va chạm này. Chẳng hạn, sao neutron đậm đặc đến nỗi một thìa càphê có thể cân nặng một tỷ tấn. Nhóm nghiên cứu cũng xác nhận những vụ va chạm như vậy dẫn tới việc sản sinh ra vàng và bạch kim tồn tại trong vũ trụ.
Khoảnh khắc ấn tượng khi hai ngôi sao va chạm. (Nguồn: PA)
Xếp thứ hai trong các sự kiện khoa học và môi trường nổi bất nhất của năm 2017 là tàu vũ trụ Cassini hoàn thành sứ mệnh 13 năm khám phá Sao Thổ.
Tàu vũ trụ Cassini bắt đầu chuyến thám hiểm Sao Thổ năm 2004. Trong 13 năm hoạt động, nó đã thay đổi hiểu biết loài người về hành tinh và Mặt Trăng. Chuyến thám hiểm giúp phát hiện "các vòi phun nước" từ Mặt Trăng Enceladus của Sao Thổ, xác nhận một đại dương ẩn dấu dưới bề mặt băng. Nó cũng giúp phát hiện các biển và hồ metal trên Mặt Trăng Titan lớn nhất của Sao Thổ.
Tuy nhiên, khi các thùng nhiên liện dần cạn, để ngăn chặn khả năng Cassini đâm vào hai Mặt Trăng có thể tồn tại sự sống quay quanh Sao Thổ - Titan và Enceladus, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) buộc phải ngừng sứ mệnh của con tàu này.
Ngày 15/9, tàu Cassini lao vào bầu khí quyển, bốc cháy dưới áp suất và nhiệt độ cao của khí quyển Sao Thổ, vỡ ra thành hàng triệu mảnh.
Sự kiện Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đứng thứ ba theo bình chọn của BBC. Khi còn đang trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã ám chỉ đến việc đưa Mỹ "rút khỏi" Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nhưng sau khi đắc cử tổng thống tháng 11/2016, ông Trump đã đưa ra các tuyên bố công khai về vấn đề biến đổi khí hậu.
Các báo cáo lộ ra việc các cố vấn của ông Trump bị chia rẽ về vấn đề này, khiến một số nhà bình luận đặt câu hỏi liệu Tổng thống Trump có thể bị thuyết phục để Mỹ ở lại trong tiến trình này hay không. Tuy nhiên, ngày 1/6/2017, Tổng thống Donald Trump tổ chức họp báo ở Nhà Trắng, tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định nói trên. Tuyên bố này vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ đảng Dân chủ và các nhà lãnh đạo thế giới như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry.
Đứng thứ tư là sự kiện phát hiện thêm nhiều "Trái Đất." Các hành tinh có kích cỡ Trái Đất mới được phát hiện cùng quay quanh một ngôi sao. Trong số 3.500 hành tinh được ghi nhận tồn tại ngoài hệ Mặt Trời, có một số hành tinh khá ''kỳ quặc''.
Trước kia, đó là hành tinh mang tên J1407b có vành đai bụi lớn gấp 200 lần so với vành đai quanh Sao Thổ. Nhưng năm nay, các nhà thiên văn học phát hiện ra một hệ thống hành tinh với bảy hành tinh có cùng kích cỡ với Trái Đất. Những hành tinh này quay quanh một ngôi sao chủ. Điều thú vị là ba trong số các hành tinh có thể có nước trên bề mặt, một dấu hiệu quan trọng của sự sống.
Sự kiện khoa học và môi trường nổi bất thứ năm của năm 2017 là phát hiện họ hàng gần đây của con người. Vào tháng Bảy năm nay, các nhà nghiên cứu công bố năm hóa thạch cổ đại tại Bắc Phi cho thấy loài người - Homo sapiens, xuất hiện sớm hơn ít nhất 100.000 năm so với khái niệm trước đó.
Những phát hiện này gợi ý rằng loài người chúng ta không tiến hóa trong một "cái nôi" duy nhất ở Đông Phi. Thay vào đó, con người hiện đại có thể đã tiến hóa theo cùng một hướng trên toàn lục địa. Năm nay cũng có nhiều tin tức chấn động khác về sự tiến hóa của loài người.
Năm 2015, khi các nhà khoa học công bố tìm thấy phần còn lại của 15 bộ xương thuộc một loài mới - Homo naledi, nó đã trở chủ đề nóng hổi trên khắp thế giới. Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu không thể nói chắc các mẫu vật này bao nhiêu tuổi, nhưng cho rằng một số đặc điểm nguyên thủy cho thấy chúng có thể lên đến ba triệu năm tuổi.
Năm nay, trưởng nhóm nghiên cứu Lee Berger tuyên bố rằng những hóa thạch này chỉ khoảng 200.000 - 300.000 năm tuổi và có thể không phải là tổ tiên của loài người hiện đại. Homo naledi thậm chí có thể đã từng gặp gỡ các các thành viên sơ khai của loài người hiện đại - Homo sapiens.
Sự kiện nhật thực tại Mỹ đứng thứ sáu theo danh sách bình chọn của hãng tin BBC. Ngày 21/8 vừa qua, nước Mỹ đã chứng kiến hiện tượng nhật thực toàn phần kể từ khi tuyên bố độc lập năm năm 1776. Trong kỳ nhật thực này, bóng của Mặt Trăng đi qua 14 bang của Mỹ, kéo dài từ bờ biển phía Đông sang bờ biển phía Tây nước Mỹ trong 99 năm qua.
Hai sự kiện khoa học và môi trường nổi bật khác của năm 2017 là phát hiện về tiểu hành tinh Oumuamua và núi băng trôi khổng lồ ở Nam Cực. Mặc dù, các nhà khoa học đã dự đoán suốt nhiều năm qua về khả năng một tiểu hành tinh sẽ ghé thăm Trái Đất, nhưng năm 2017 là lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện một ''vị khách'' như vậy.
Một nhóm nhà nghiên cứu đã phát hiện ra vật thể lạ hồi tháng 10. Họ cũng sớm chắc chắn rằng tốc độ và quỹ đạo của hành tinh này cho thấy nó có nguồn gốc ngoài hệ Mặt Trời. ''Vị khách'' được đặt tên là "Oumuamua," nghĩa là "sứ giả đầu tiên từ phương xa."
Hành tinh mới phát hiện có màu hơi đỏ, giống với các vật thể ở vùng ngoài hệ Mặt Trời. Ước tính, hành tinh nhỏ này có chiều dài gấp 10 lần chiều rộng, đặc điểm nổi bật chưa từng thấy ở các tiểu hành tinh hệ Mặt Trời vốn không dài đến thế.
Trong năm 2017 vừa qua, thông qua hệ thống vệ tinh, các nhà khoa học đã phát hiện vết nứt lớn trên thềm băng Larsen C. Một trong những tảng băng trôi lớn nhất tách khỏi thềm băng Larsen C ở Nam Cực vào tháng Bảy. Các nhà khoa học đã theo dõi sự phát triển của vết nứt lớn trên thềm băng trong suốt hơn một thập kỷ. Khối băng trôi khổng lồ ước tính bao phủ diện tích khoảng 6.000km2 - khoảng một phần tư diện tích Xứ Wales.
Các tảng băng tách khỏi Nam Cực là hoạt động tự nhiên. Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng thềm băng Larsen C có kích cỡ nhỏ nhất kể từ cuối kỷ băng hà khoảng 11.700 năm trước. Họ cũng cho rằng cần có các nghiên cứu trong tương lai để tìm hiểu việc thềm băng đáp ứng với việc khí hậu ấm lên như thế nào./.