Một thập kỷ trước, 40% lượng điện của Anh vẫn được sản xuất từ than.

Vương quốc Anh sẽ chấm dứt sử dụng nhiệt điện than vào tháng 10/2024, sớm hơn một năm so với dự kiến.

Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Anh, Anne-Marie Trevelyan, cho biết: “Than đá đã tạo nên cuộc cách mạng công nghiệp cách đây 200 năm, nhưng bây giờ là lúc cần hành động triệt để nhằm loại bỏ hoàn toàn loại nhiên liệu bẩn này khỏi hệ thống năng lượng của chúng ta”.

Theo Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Vương quốc Anh, than chỉ chiếm 1,8% tổng sản lượng điện của Vương quốc Anh vào năm ngoái, và khoảng 43% tổng sản lượng điện đến từ các nguồn tái tạo như gió và năng lượng mặt trời. Chính phủ Anh có kế hoạch ban hành luật về loại bỏ than đá "trong thời gian sớm nhất", Bộ này cho biết thêm. Tuy nhiên, luật sẽ chỉ áp dụng cho than dùng trong sản xuất điện, không áp dụng cho các lĩnh vực khác như ngành thép.

Ảnh minh họa

Vương quốc Anh đã trải qua một chặng đường dài kể từ những ngày mà một lớp sương khói dày đặc từ nhiên liệu than phủ xuống London vào những năm 1950. Một thập kỷ trước, than đá chiếm khoảng 40% sản lượng điện của nước này.

Trevelyan cho biết các động thái này của chính phủ Anh là một "tín hiệu rõ ràng cho thấy Vương quốc Anh đang dẫn đầu trong việc đưa điện than vào quá khứ".

Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng hưởng ứng các chỉnh sách chuyển hướng khỏi điện than. Kevin Book, giám đốc điều hành của ClearView Energy Partners LLC, một tổ chức nghiên cứu độc lập về năng lượng, cho biết: "Có những quốc gia mà việc chuyển đổi khỏi than đá sẽ là một vấn đề lớn".

Tháng trước, tại hội nghị thượng đỉnh ở Cornwall, các nhà lãnh đạo của G7 đã nhất trí sẽ chấm dứt hỗ trợ tài chính cho các dự án điện than trên thế giới không thực hiện thu giữ carbon vào cuối năm nay, và tiến tới một hệ thống điện khử cacbon vào những năm 2030. Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng dễ dàng đưa ra các deadline cho việc chấm dứt sử dụng điện than. Ngoài Anh, năm ngoái Đức đã thông qua luật chấm dứt sản xuất nhiệt điện than vào năm 2038.

Nhìn chung than đá đã trượt dài trên toàn cầu khi chi phí khai thác và sản xuất ngày càng tăng lên và nhiều quốc gia đã cam kết thực hiện các mục tiêu nghiêm ngặt hơn để giảm phát thải khí nhà kính. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, than đá là yếu tố đóng góp hàng đầu vào sự gia tăng lượng khí thải.

Nghiên cứu từ Climate Analytics, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở ở Đức, cho thấy than đá cần phải được loại bỏ trên toàn cầu vào năm 2040 để đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris.

Book cho rằng, quá trình loại bỏ của Vương quốc Anh có nhiều ý nghĩa biểu tượng do lịch sử quốc gia này từng phụ thuộc rất nhiều vào than đá. “Nhưng nó cũng minh họa khoảng cách khổng lồ trong việc chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch, khi một số quốc gia vẫn còn ở vị trí của Vương quốc Anh cách đây 50 năm”, Book nói.

Nguồn: