Giới chức Anh cảnh báo rằng cơ quan phụ trách theo dõi và quản lý dịch bệnh động vật của nước này đã xuống cấp đến mức độ đáng báo động, và Anh dễ bị tổn thương trước những đợt bùng phát dịch bệnh từ động vật.

Một cuộc điều tra của chính quyền Anh đã phát hiện ra rằng Cơ quan Sức khỏe động vật và thực vật (APHA) đang xuống cấp nghiêm trọng.

Báo cáo điều tra đã xác định nhiều điểm yếu ở APHA, làm suy yếu nghiêm trọng khả năng phản ứng của Vương quốc Anh trong trường hợp dịch bệnh động vật bùng phát, đồng thời lưu ý rằng Vương quốc Anh đang phải đối mặt với cúm gia cầm và các nguy cơ bệnh lao bò, dịch tả lợn châu Phi và bệnh dại.

Hình minh họa. Nguồn: PA

Dame Meg Hillier, chủ tịch của Ủy ban tài khoản công cộng (PAC), cơ quan thực hiện điều tra, cho biết: “Sau thảm họa lở mồm long móng năm 2001, những thập kỷ qua đã kéo theo hết bệnh dịch này đến bệnh dịch khác có nguồn gốc từ động vật. Thật sốc khi chính phủ đã cho phép năng lực của Vương quốc Anh trong lĩnh vực này xuống cấp”.

Sau khi các nghị sĩ Anh gọi tình hình ở APHA là “quản lý không đầy đủ và thiếu đầu tư”, Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh (DEFRA) đã vạch ra một chương trình tái phát triển quy mô dự kiến 2,8 tỷ bảng Anh trong 15 năm. Nhưng chương trình này đến năm 2036 mới hoàn thành, và các quan chức Anh đang tìm cách "sửa chữa" năng lực trước mắt của APHA, nhằm cải thiện khả năng ứng phó dịch bệnh.

Sự cố lớn gần đây nhất tại APHA là vào năm 2014, khi máy phát điện dự phòng bị hỏng, dẫn đến mất điện tại một số tòa nhà chứa động vật bị nhiễm virus và vi khuẩn. Báo cáo PAC cho biết: “Điều này có thể dẫn đến việc mầm bệnh thoát ra ngoài”.

Một sự cố lớn tương tự có thể cản trở nghiêm trọng khả năng giám sát trong thời gian bùng phát dịch bệnh, chẳng hạn như theo dõi sự lây lan của bệnh từ trang trại này sang trang trại khác.

Hillier cho biết: “Những căn bệnh này đang tàn phá hệ thống sản xuất thực phẩm, nền kinh tế của chúng ta và khi chúng lây sang con người như COVID-19, thì hệ quả là nghiêm trọng với toàn xã hội”.

PAC cáo buộc chính phủ Anh không đánh giá đúng tác động của một đợt bùng phát dịch bệnh ở động vật. Cơ quan quản lý rủi ro quốc gia của Vương quốc Anh xếp bùng phát dịch bệnh ở động vật là sự kiện Loại C, có nghĩa là chi phí kinh tế từ 100 triệu đến 1 tỷ bảng Anh. Nhưng cuộc khủng hoảng lở mồm long móng năm 2001 đã gây thiệt hại tương đương 12 tỷ bảng Anh hiện nay, PAC lưu ý.

Paul Wigley, giáo sư về hệ sinh thái vi khuẩn động vật tại Đại học Bristol, cho biết: “Khả năng bùng phát dịch bệnh luôn cận kề. Một đợt bùng phát khác của bệnh lở mồm long móng hoặc sự xuất hiện của dịch tả lợn có thể dẫn đến sự sụp đổ của các ngành nông nghiệp chính ở Anh".

Giáo sư James Wood, trưởng khoa thú y tại Đại học Cambridge và là thành viên của ban cố vấn khoa học APHA, cho biết tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất ở cơ quan này đã rõ ràng trong nhiều năm. Ông nói: “Các phòng thí nghiệm tại APHA là trung tâm giúp Vương quốc Anh có khả năng kiểm soát sự xâm nhập của dịch bệnh động vật và khả năng phát hiện bất kỳ mầm bệnh động vật mới nổi nào có thể phát triển thành đại dịch lây nhiễm”.

“Chúng tôi không còn có thể phụ thuộc vào tài nguyên phòng thí nghiệm từ các phòng thí nghiệm đối tác châu Âu. Tầm quan trọng của các phòng thí nghiệm được thể hiện rõ qua vai trò trung tâm của chúng trong chẩn đoán và kiểm soát đợt bùng phát cúm gia cầm chưa từng có tiền lệ đang diễn ra", Wood nói.

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2022/nov/16/uk-vulnerable-to-major-animal-disease-outbreaks-report-finds