Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào ngày 10/11, Antoni Ribas – nhà nghiên cứu ung thư và bác sĩ tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ) – và cộng sự đã thử nghiệm thành công phương pháp điều trị ung thư mới trên 16 bệnh nhân có khối u rắn, bao gồm ung thư vú và ruột kết.

Họ sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR làm thay đổi các tế bào miễn dịch của bệnh nhân, giúp chúng nhận ra những protein đột biến đặc trưng cho các khối u. Những tế bào miễn dịch này sau đó có thể giải phóng một cách an toàn bên trong cơ thể để tìm và tiêu diệt khối u.
Đây là nỗ lực đầu tiên nhằm kết hợp hai lĩnh vực nổi bật trong việc nghiên cứu ung thư, bao gồm chỉnh sửa gene để tạo ra các phương pháp điều trị cá nhân hóa và “thiết kế lại” tế bào miễn dịch (hay tế bào lympho T) để nhắm mục tiêu khối u tốt hơn.

“Chúng tôi đã cố gắng tạo ra một đội quân từ tế bào T của chính bệnh nhân. Đây có lẽ là liệu pháp phức tạp nhất từng được thực hiện tại phòng khám chữa bệnh”, Antoni Ribas cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả thử nghiệm lâm sàng của họ tại cuộc họp của Hiệp hội Liệu pháp Miễn dịch Ung thư ở Boston, bang Massachusetts (Mỹ) vào ngày 10/11.

Nguồn: Nature.com