Khi nước Mỹ đang tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày 2 phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin bước chân lên bề mặt Mặt trăng, Ấn Độ khẳng định sẽ viết tiếp lịch sử bằng việc khởi động sứ mệnh không người lái thứ hai lên Mặt trăng, nhằm mục đích lần đầu tiên đổ bộ xuống cực nam Mặt trăng.

Xe tự hành Pragyan và tàu đổ bộ Vikram được chuẩn bị tại địa điểm phóng. Nguồn: ISRO.
Xe tự hành Pragyan và tàu đổ bộ Vikram được chuẩn bị tại địa điểm phóng. Nguồn: ISRO.

Cỗ xe trăng

Hàng trăm triệu người dân khắp Ấn Độ đang đón chờ khoảnh khắc nước này phóng tên lửa mang theo Chandrayaan-2 (“Cỗ xe trăng” trong tiếng Phạn) hướng tới cực nam Mặt trăng. Dự kiến vào lúc 2:51 sáng giờ địa phương ngày 15/7 (tức 4:21 sáng nay theo giờ Việt Nam), từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan, Ấn Độ sẽ chính thức khởi động sứ mệnh không người lái thứ hai lên Mặt trăng của mình. Tuy nhiên, một lỗi kỹ thuật được phát hiện 56 phút trước khi phóng, kế hoạch phóng tàu trong hôm nay đã bị hủy bỏ.

Chandrayaan-2 sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy mạnh nhất hiện có của nước này, tên lửa GSLV Mk III. Sau khi vượt khỏi khí quyển Trái đất, Chandrayaan-2 sẽ được phóng đến một “quỹ đạo đỗ Trái đất” chuyển tiếp, nơi sau đó các động cơ của môđun chính sẽ được kích hoạt đưa tàu rời quỹ đạo Trái đất hướng đến Mặt trăng.

Tàu vũ trụ mang theo ba tàu không người lái, bao gồm một tàu quỹ đạo, một tàu đổ bộ và một xe tự hành. Trong đó tàu đổ bộ “Vikram” và xe tự hành “Pragyan” sẽ đáp xuống bề mặt cực nam Mặt trăng. Điểm hạ cánh dự kiến là một vùng bình nguyên nằm giữa hai núi lửa Manzinus C và Simpelius N.

Kailasavadivoo Sivan, Chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), mô tả 15 phút cuối cùng trước khi hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng sẽ là “những giây phút đáng sợ nhất” với kế hoạch.

Cực Nam của Mặt trăng là một khu vực quan trọng và có giá trị nghiên cứu khoa học, vì khu vực này có nhiều phần nằm trong vùng tối hơn cực Bắc, dễ có khả năng có nước hơn. ISRO cho biết tàu thăm dò có mục tiêu tìm kiếm dấu hiệu của nước và phân tích thành phần hóa học trong đất và đá.

Chandrayaan-2 là sứ mệnh Mặt trăng tiếp theo của Ấn Độ sau sứ mệnh đầu tiên, Chandrayaan-1, phóng năm 2008. Tàu đã giúp xác nhận sự hiện diện của nước trên Mặt trăng sau khi bắn một vật va chạm vào miệng núi lửa đầy băng ở cực Nam vệ tinh này.

Chandrayaan-2 được dự định khởi động từ cách đây vài năm, nhưng sứ mệnh đã bị trì hoãn nhiều lần.

Tên lửa đẩy GSLV Mk III mang theo Chandrayaan-2 được đặt trên bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan, Ấn Độ. Nguồn: ISRO.
Tên lửa đẩy GSLV Mk III mang theo Chandrayaan-2 được đặt trên bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan, Ấn Độ. Nguồn: ISRO.

Nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch, tàu vũ trụ sẽ đến quỹ đạo Mặt trăng vào đầu tháng 9, sau 50 ngày. Nếu việc đổ bộ xuống bề mặt Mặt trăng thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư đạt được kỳ tích khó khăn này, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Thành công của Chandrayaan-2 được kỳ vọng sẽ nâng cao uy tín của Ấn Độ như một cường quốc vũ trụ tiên tiến. Theo Sumit Ganguly, chuyên gia Ấn Độ và giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Indiana Bloomington, trả lời đài DW (Đức), thì “ISRO đang cố gắng chứng minh khả năng chinh phục không gian của mình và tiềm năng đổi mới sáng tạo của quốc gia.” Ông khẳng định thêm: “Chandrayaan-2 cũng sẽ thu hút sự chú ý của các quốc gia khác muốn cùng tham gia chương trình không gian với Ấn Độ.”

Đầy tham vọng

Trong 10 năm qua, Ấn Độ đã đầu tư rất nhiều vào chương trình vũ trụ của mình. Chỉ trong năm nay, Chính phủ Ấn Độ đã tăng ngân sách hằng năm cho các hoạt động không gian của mình lên thêm 15,6%, đạt khoảng 124,73 tỷ rupee (khoảng 1,8 tỷ USD).

Chương trình không gian của Ấn Độ đã giành được sự quan tâm chú ý của quốc tế sau khi quốc gia Nam Á này đưa thành công tàu Mangalyaan (“Cỗ xe sao Hỏa”) đến quỹ đạo sao Hỏa năm 2014. Một sự kiện khác diễn ra trong năm 2017 khi nước này đưa thành công một số lượng kỷ lục 104 vệ tinh lên quỹ đạo trong một lần phóng.

Tiếp đà những thành công này, Thủ tướng Narendra Modi năm ngoái đã tự tin hứa việc sẽ đưa công dân Ấn Độ đầu tiên vào vũ trụ sử dụng tàu Ấn Độ (trước đó Ấn Độ từng có hai công dân bay vào vũ trụ trong các chương trình hợp tác với Liên Xô và Hoa Kỳ) trong năm 2022, khi nước này kỷ niệm 75 năm độc lập khỏi Đế quốc Anh. ISRO cũng đang chuẩn bị khởi động một sứ mệnh nghiên cứu Mặt trời.

Tháng 3 năm nay, Ấn Độ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm chống vệ tinh, dùng tên lửa bắn hạ một vệ tinh có quỹ đạo thấp và chứng tỏ khả năng tấn công các vật thể của kẻ thù trong không gian. Bên ngoài Ấn Độ, cuộc thử nghiệm làm dấy lên lo ngại về việc quân sự hóa không gian, cũng như phê phán về nguy cơ rác thải vũ trụ. Nhưng dư luận Ấn Độ hầu như đều ủng hộ bước đi này và coi đó là một niềm tự hào quốc gia.

Giới phê bình thường đặt câu hỏi tại sao Ấn Độ dành số tiền lớn cho việc thám hiểm không gian, khi hàng triệu người ở nước này vẫn phải chịu cảnh nghèo đói. Nhưng ngược lại, những người ủng hộ cho rằng Ấn Độ sẽ hưởng lợi từ việc phát triển nghiên cứu không gian, không chỉ ở công nghệ, giáo dục mà cả kinh tế, trong đó bao gồm việc tham gia thị trường phóng vệ tinh quốc tế. Lợi thế đặc biệt của Ấn Độ trong thị trường này trước hết nằm ở chi phí rẻ hơn nhiều so với các quốc gia khác. Cả hai chương trình Mangalyaan và Chandrayaan có tổng chi phí thấp hơn nhiều các chương trình của NASA hay ESA. Riêng sứ mệnh Chandrayaan-2 với giá 124 triệu USD, được quảng cáo là có chi phí “chỉ bằng một nửa” bộ phim bom tấn Avenger:Endgame của Hollywood.

Cạnh tranh với Trung Quốc

Sứ mệnh lần này của Ấn Độ nằm giữa thời điểm mà thế giới một lần nữa bước vào cuộc đua chinh phục Mặt trăng, với các nước như Mỹ và Nga đều tiết lộ các kế hoạch thám hiểm mới.
Nhiều người cũng tin rằng một cuộc chạy đua mới về sức mạnh vũ trụ đang diễn ra ở châu Á, đặc biệt là giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Trung Quốc gần đây đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công tàu thăm dò ở vùng tối của Mặt Trăng.

Chương trình đầy tham vọng của Bắc Kinh bao gồm việc đưa tàu không người lái dổ bộ thành công xuống sao Hỏa trong năm 2020, xây dựng trạm vũ trụ của riêng Trung Quốc trong năm 2022 và gửi tàu thám hiểm tới sao Mộc vào năm 2029. Về lâu dài, Trung Quốc cũng có tham vọng gửi các sứ mệnh có người lái lên Mặt trăng và sao Hỏa.

Nhưng theo ông Ganguly, Trung Quốc chỉ có “tác động hạn chế” đối với các quyết sách của chương trình không gian Ấn Độ. “Chương trình của Ấn Độ nhìn chung là kết quả từ những lực đẩy nội bộ từ cả chính quyền-khoa học-công nghệ. Nó tự nuôi sống bản thân mình.”