Zhang Rongqiao, kiến trúc sư của nhiệm vụ sao Hỏa Tianwen-1, một trong mười nhân vật góp phần định hình khoa học năm 2021 theo bình chọn của tạp chí Nature, trả lời phỏng vấn tạp chí này về tương lai khám phá không gian của Trung Quốc.

Tháng 5 vừa qua, Tianwen-1đã đưa tàu thám hiểm Zhurong lên sao Hỏa. Đây là nhiệm vụ sao Hỏa độc lập đầu tiên của Trung Quốc, và cũng cực kỳ tham vọng - đưa bộ ba tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và tàu thám hiểm lên hành tinh đỏ. Nhờ nhiệm vụ này, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai, sau Mỹ, đưa tàu thám hiểm lên sao Hỏa.

Zhang Rongqiao với mô hình tàu thám hiểm Zhurong tại Cục Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc.

Nature: Vai trò của ông trong nhiệm vụ là gì và đội thực hiện nhiệm vụ lớn đến mức nào?

Zhang: Với tư cách là nhà thiết kế chính của nhiệm vụ, tôi chịu trách nhiệm thiết kế, phóng và điều khiển hành trình. Khi nhiệm vụ trong quá trình thực hiện, tôi phải theo dõi tình trạng của các tàu, tìm người phù hợp để giải quyết các trường hợp khẩn cấp và đảm bảo rằng tàu thám hiểm hạ cánh thành công trên sao Hỏa và đạt được các mục tiêu của nó. Tôi cũng phụ trách điều phối nghiên cứu khoa học thông qua giao lưu với các nhà khoa học hành tinh trong và ngoài nước. Những thành công của chúng tôi là nhờ vào nỗ lực phối hợp giữa hàng nghìn đơn vị nghiên cứu và phát triển, và hàng chục nghìn thành viên.

Ông có tự tin về việc đưa cả bộ ba tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và tàu thám hiểm đến sao Hỏa trong một nhiệm vụ không?

Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được rằng các nhiệm vụ thám hiểm sao Hỏa là đầy thách thức và rủi ro về mặt kỹ thuật. Trung Quốc là nước đi sau trong lĩnh vực khoa học và khám phá các hành tinh, và buộc phải có một bước nhảy vọt về công nghệ [để thực hiện nhiệm vụ này]. Nhưng Trung Quốc đã đưa con người vào không gian và thám hiểm mặt trăng, vì vậy đã có cơ sở kỹ thuật để đến được sao Hỏa.

Ông đã cân bằng giữa khả năng kỹ thuật và mục tiêu khoa học của nhiệm vụ như thế nào?

Việc thăm dò sao Hỏa lấy các mục tiêu khoa học làm định hướng, và thúc đẩy ngành nghiên cứu. Các nhiệm vụ trên Sao Hỏa khá khó khăn - chỉ khoảng một nửa trong số những nhiệm vụ có tàu đổ bộ hoặc tàu thám hiểm đã thành công - nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đảm bảo rằng các mục tiêu khoa học là ưu tiên trong quá trình lập kế hoạch. Chúng tôi đã tối ưu hóa khả năng bay của tàu quỹ đạo, trọng lượng và nhu cầu năng lượng của các hệ thống thiết bị khoa học và truyền thông để đảm bảo rằng có thể thu thập nhiều loại dữ liệu phong phú và chất lượng cao trong quá trình thăm dò.

Ông cảm thấy thế nào khi biết tin Zhurong đã hạ cánh thành công?

Lần đầu tiên nhìn thấy kết quả đo đạc cuộc hạ cánh trong phòng điều khiển, tôi đã bị choáng ngợp. Tôi rất cảm động trước những nỗ lực không ngừng của cả đội. Tôi cảm thấy biết ơn vì sự hỗ trợ đến từ tất cả các ngành. Cảm xúc ập đến, tôi không thể không rơi nước mắt.

Hình ảnh Sao Hỏa, được chụp bởi tàu quỹ đạo Tianwen-1 của Trung Quốc vào tháng 3/2021.

Tàu thám hiểm đã làm gì trong vài tháng qua?

Nó tiếp tục đi đến đường bờ biển có khả năng đã từng nằm giữa một vùng biển cổ đại và vùng đất cổ ở phần phía nam của Utopia Planitia, bán cầu bắc sao Hỏa, để tiến hành khám phá khoa học và tìm manh mối về nguồn gốc và sự tiến hóa của sao Hỏa.

Những thách thức lớn nhất mà nhiệm vụ phải đối mặt cho đến nay là gì?

Thử thách lên sao Hỏa à rất lớn. Ví dụ, có rất nhiều điều chưa biết về địa hình bề mặt, khí hậu và môi trường. Chúng tôi thậm chí không biết chúng tôi chưa biết những gì. Để trang bị cho tàu thám hiểm di chuyển trong một môi trường không xác định, chúng tôi đã tiến hành lập kế hoạch và thử nghiệm nhiệm vụ một cách toàn diện trên Trái đất. Chúng tôi quyết định chọn một hệ thống treo cho Zhurong với sáu bánh xe điều khiển độc lập, cho phép nó di chuyển theo những cách độc đáo, chẳng hạn đi như cua hoặc luồn lách như một con sâu. Do bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa, chúng tôi cũng đã nghĩ ra những cách độc đáo để thay đổi hình dạng khí động học của khoang hạ cánh, để làm chậm tốc độ hạ cánh và đảm bảo sự ổn định trong quá trình hạ cánh. Việc bám sát lịch trình cũng là một thách thức - cửa sổ thời gian để hạ cánh chỉ đến một lần trong 26 tháng, vì vậy chúng tôi sẽ phải đợi hơn 2 năm nếu bỏ lỡ.

Nếu có thể quay ngược thời gian, ông sẽ làm gì khác đi?

Đây là sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc, vì vậy không phải mọi việc đều đã được thực hiện một cách hoàn hảo. Chúng tôi đã tự nhìn lại, tìm kiếm những gì còn đi sau so với các công nghệ mà các cơ quan quốc tế khác sử dụng, và kiểm tra lại các vấn đề trong quá trình ứng dụng công nghệ.

Thành công của sứ mệnh đã thay đổi khoa học vũ trụ ở Trung Quốc như thế nào?

Những thành công của Tianwen-1 đã mang đến cho chúng tôi một cơ hội mới để hiểu về sao Hỏa và sẽ thúc đẩy đáng kể sự phát triển của khoa học vũ trụ của Trung Quốc, đặc biệt là khoa học hành tinh. Chúng tôi đã có được dữ liệu trực tiếp về địa hình của sao Hỏa, thành phần vật liệu bề mặt, cấu trúc dưới bề mặt, từ trường, khí tượng và khí hậu. Điều này sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu một nền tảng để phát triển khoa học hành tinh ở Trung Quốc. Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc đã và đang tích cực thúc đẩy giao lưu và hợp tác quốc tế với các nhà khoa học nước ngoài.

Những nỗ lực không gian của Trung Quốc sẽ ở đâu trong một thập kỷ kể tới?

Tianwen-1 là bước đầu tiên trong quá trình khám phá các hành tinh của Trung Quốc, sau đó sẽ là các nhiệm vụ khám phá tiểu hành tinh, mang mẫu sao Hỏa về Trái đất và bay qua sao Mộc và các vệ tinh của nó. Công nghệ được phát triển qua các sứ mệnh thành công của chúng tôi sẽ đóng góp vào nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Nguồn: