Những dữ liệu này cung cấp thông tin chi tiết về các khu vực chưa được khám phá trước đây ở bán cầu bắc của sao Hỏa.

Tàu quỹ đạo Tianwen-1 của Trung Quốc đã đến quỹ đạo sao Hỏa vào tháng 2/2021. Vào tháng 5/2021, nó thả một tàu đổ bộ có chứa tàu thám hiểm Zhurong xuống một lưu vực rộng lớn, Utopia Planitia. Nhiệm vụ ban đầu của tàu thám hiểm dự định chỉ kéo dài khoảng 3 tháng, nhưng cuối cùng đã kéo dài 4 tháng và đi được hơn 1.000 mét, trước khi tạm nghỉ.
Vào tháng 7, Zhurong đã chụp lại hình ảnh này về địa điểm nó hạ cánh, cho thấy chiếc dù và một phần của buồng bảo vệ tàu.

Vào tháng 9, Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho Zhurong vào chế độ ngủ đông vì sao Hỏa đã đi qua phía sau Mặt trời, so với Trái đất, đồng nghĩa với việc sẽ mất liên lạc. Sau đó, vào tháng 10, tàu được khởi động trở lại và đã đi thêm 200 mét nữa theo hướng đường bờ biển của một đại dương cổ đại. Thời gian tạm nghỉ kéo dài một tháng đã tạo cơ hội cho các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu trên khắp Trung Quốc bắt đầu xử lý khối dữ liệu khá lớn.

Tập dữ liệu này bao gồm hình ảnh từ camera điều hướng của Zhurong; dữ liệu khí hậu về nhiệt độ, áp suất và tốc độ gió; thông tin về thành phần hóa học của đá, đất và cồn cát từ máy quang phổ laser; và manh mối từ bên dưới bề mặt từ radar xuyên đất.

Chưa có nhiều phân tích chi tiết, vì dữ liệu vừa được công bố đến cho các nhóm nghiên cứu thuộc vào tháng 9. Mất ba tháng kể từ thời điểm thu thập dữ liệu đến khi công bố cho các nhóm vì quá trình xử lý và lọc nhiễu khá mất thời gian, nhưng là cần thiết để đảm bảo rằng dữ liệu đáng tin cậy và loại bỏ nhiễu do các thiết bị tạo ra, Lu Pan, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Copenhagen, cho biết. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc lên bề mặt hành tinh khác, điều này có thể khiến quy trình nghiên cứu chậm hơn so với các nhiệm vụ sao Hỏa gần đây của NASA vốn đã có nhiều kinh nghiệm.

Phương pháp quản lý dữ liệu của nhiệm vụ sao Hỏa của Trung Quốc có thể đã góp phần gây chậm trễ trong việc xử lý dữ liệu và công bố thông tin mới, theo David Flannery, nhà sinh vật học thiên văn tại Đại học Công nghệ Queensland, Brisbane, Úc, người đang làm việc với các nhà khoa học ở Trung Quốc. Với nhiệm vụ Perseverance của NASA, mỗi công cụ trên tàu thám hiểm được thiết kế bởi một nhóm khác nhau, và nhóm này có quyền truy cập độc lập vào dữ liệu từ công cụ đó sớm hơn vài tháng so với thời điểm công bố dữ liệu cho tất cả các nhóm trong nhiệm vụ. Nhưng theo cách làm việc của CNSA, dữ liệu thu được từ bất kỳ thiết bị nào trên Zhurong và Tianwen-1 đều được xử lý bởi Đài quan sát thiên văn quốc gia (NAOC), rồi mới công bố đến cho các nhóm nghiên cứu thuộc nhiệm vụ.

Đến nay, đã có hai ấn phẩm liên quan đến khối dữ liệu. Một nghiên cứu đăng dưới dạng bản thảo vào cuối tháng 9, phân tích hình ảnh và thông tin về lực ma sát thu được từ chuyển động bánh xe của Zhurong. Kết quả cho thấy các vùng trên sao Hỏa mà tàu thám hiểm đi qua có các đặc tính tương tự như các vùng đất cát có cấu trúc nén chặt trên Trái đất. Nghiên cứu này “cung cấp dữ liệu hữu ích về các đặc tính của đất bề mặt sao Hỏa”, theo Xiao Long, một nhà địa chất hành tinh tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc ở Vũ Hán, cụ thể là cách đất và bụi trên bề mặt hình thành.

Nghiên cứu thứ hai, công bố vào tháng 8, đã sử dụng hình ảnh có độ phân giải cao từ tàu quỹ đạo để xác định tọa độ chính xác của tàu thám hiểm trên sao Hỏa.

Ngoài ra, một số đặc điểm bề mặt, chẳng hạn như vật liệu trầm tích và bùn núi lửa, gợi ý về dòng chảy của nước trong quá khứ. Bo Wu, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Bách khoa Hongkong, người đang phân tích một số dữ liệu từ Zhurong, cho biết đây là “mối quan tâm khoa học lớn” vì nó có thể cung cấp bằng chứng về một đại dương cổ đại.

CNSA đã công bố hình ảnh này vào tháng 7, tàu đổ bộ chụp ảnh về phía chiếc dù khi đang rơi xuống bề mặt sao Hỏa.

Cho đến nay, dữ liệu chỉ được chia sẻ với các nhà nghiên cứu trực tiếp tham gia nhiệm vụ, nhưng Wu nói rằng NAOC vào một thời điểm nào đó sẽ công bố chúng cho cộng đồng quốc tế để tăng tốc độ phân tích. Theo Flannery, các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm hơn về sao Hỏa có thể nhận ra các đặc điểm đáng quan tâm trong dữ liệu nhanh hơn.

Đầu tháng này, CNSA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cũng xem xét khả năng sử dụng tàu quỹ đạo Mars Express của ESA để chuyển dữ liệu của Zhurong về Trái đất.

Nguồn: