Tàu thăm dò Parker của NASA trở thành thiết bị bay gần Mặt trời hơn bất kỳ nhiệm vụ không gian nào trước đó, khi nó đi vào bầu khí quyển bên ngoài, hay còn gọi là vành nhật hoa của Mặt trời.

Tàu Parker đi vào bầu khí quyển của Mặt trời lúc 9:33 sáng theo giờ GMT vào ngày 28/4 năm nay. Tuy nhiên các nhà khoa học trong sứ mệnh đã mất vài tháng để tải xuống và phân tích dữ liệu mà tàu thu thập để chắc chắn rằng tàu đã thực sự vượt qua ranh giới bầu khí quyển Mặt trời, còn gọi là bề mặt Alfvén. Đến ngày 14/12, thành tựu quan trọng này mới được công bố. "Cuối cùng thì chúng ta cũng đã đến nơi, nhân loại đã chạm vào Mặt trời," Nicola Fox, giám đốc bộ phận nghiên cứu vật lý Mặt trời của NASA, nói.

Trong một bài báo trên tạp chí Nature vào năm 1942, nhà vật lý Thụy Điển Hannes Alfvén đã đề xuất lý thuyết về một bề mặt là vị trí tiếp xúc của bầu khí quyển của Mặt trời với một vùng không gian bên ngoài bị chi phối bởi gió Mặt trời. Các nhà khoa học đã tìm kiếm bề mặt Alfvén kể từ đó.

Và đến năm nay, bằng nhiệm vụ tàu Parker trị giá 1,5 tỷ USD, con người đã đến được bề mặt Alfvén. Tàu Parker được phóng vào năm 2018. Một tấm chắn nhiệt composite carbon bảo vệ các thiết bị của Parker khỏi nhiệt độ lên đến 1.370°C.

Trước đó, vào năm 2012, tàu Voyager 1 cũng của NASA đã trở thành sứ mệnh không gian đầu tiên rời khỏi vùng không gian bị chi phối bởi gió Mặt trời - một luồng hạt năng lượng đến từ Mặt trời. Ngược lại, tàu thăm dò Parker đang bay gần hơn bao giờ hết về phía trung tâm của Hệ Mặt trời, lao thẳng vào gió Mặt trời và vào bầu khí quyển của Mặt trời.

Tàu thăm dò Mặt trời Parker sẽ đi qua Mặt trời 24 lần, mỗi lần lại gần hơn bề mặt Mặt trời. Ảnh minh họa.

“Đây là một cột mốc quan trọng. Bay vào vành nhật hoa của Mặt trời đại diện cho một trong những ẩn số vĩ đại cuối cùng," Craig DeForest, nhà vật lý năng lượng mặt trời tại Viện Nghiên cứu Tây Nam, Boulder, Colorado, Mỹ, người không tham gia nhiệm vụ, cho biết.

Theo dữ liệu trả về, Parker đã vượt qua bề mặt Alfvén khi nó cách bề mặt Mặt trời khoảng 14 triệu km. Bên trong vành nhật hoa, tốc độ gió Mặt trời và mật độ plasma giảm xuống, cho thấy Parker đã thực sự vượt qua ranh giới tiếp xúc giữa bầu khí quyển Mặt trời với vùng không gian bên ngoài. Một bài báo mô tả các phát hiện của Parker đã được công bố trên tạp chí Physical Review Letters.

Khi ở bên trong vành nhật hoa, Parker nghiên cứu các đường gấp khúc bất thường trong từ trường của gió Mặt trời. Trước đây, các nhà khoa học đã biết gió Mặt trời không chỉ đi ra khỏi Mặt trời mà còn chuyển động ngược trở lại, nhưng dữ liệu của Parker đã theo dõi điểm đến của những dòng chuyển động ngược này trên bề mặt Mặt trời.

Nghiên cứu cách những hiện tượng này hình thành trên Mặt trời và cách chúng ảnh hưởng đến gió Mặt trời sẽ giúp con người chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với thời tiết hỗn loạn trong không gian, chẳng hạn như khi các cơn bão mặt trời đánh sập hệ thống liên lạc vệ tinh.

Tàu thăm dò Mặt trời Parker dự định sẽ thực hiện 24 lần đi ngang qua Mặt trời. Nó đã vượt qua bề mặt Alfvén vào lần thứ 8/24, sau đó ra ngoài, và có thể đã đi qua bề mặt này một lần nữa trong lần 9/24 vào tháng 11 vừa qua (dữ liệu vẫn chưa được tải xuống và phân tích đầy đủ). Trong vòng đời của mình, Parker sẽ tiếp cận gần Mặt trời nhất vào năm 2025, ở khoảng cách 6,2 triệu km tính từ bề mặt Mặt trời.

Nguồn: