"Bản chất phân tử của ung thư vú ở một phụ nữ có thể xác định căn bệnh của họ tiến triển như thế nào, không chỉ trong 5 năm đầu tiên, mà cả sau này", theo các nhà nghiên cứu.
Một xét nghiệm mới có thể xác định khả năng tái phát của ung thư vú cho đến 20 năm sau. Đây là một bước phát triển có khả năng báo trước một kỷ nguyên của y học cá nhân hóa.
Cách mà ung thư tiến triển ở một bệnh nhân sẽ được xác định bằng cách phân loại các dấu hiệu phân tử và di truyền của khối u vú thành 11 nhóm nhỏ, theo phát hiện của các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge.
Nghiên cứu được tài trợ bởi tổ chức từ thiện Nghiên cứu Ung thư.
Theo dõi khoảng 2.000 phụ nữ trong hơn 20 năm, nhóm nghiên cứu phát hiện ra một số phụ nữ với ung thư xâm lấn nhanh ban đầu có khả năng khối u tái phát sau 5 năm thấp hơn.
Ngược lại, các khối u ban đầu phản hồi tốt với điều trị lại có nhiều khả năng xuất hiện trở lại trong 20 năm sau, có khả năng tái phát ở dạng không thể chữa được.
"Bản chất phân tử của ung thư vú ở mỗi phụ nữ quyết định việc bệnh của họ tiến triển như thế nào, không chỉ trong 5 năm đầu tiên mà còn sau đó", Tiến sĩ Oscar Rueda, tác giả chính của bài báo đăng trên tạp chí Nature, cho biết. "Chúng tôi hy vọng rằng công cụ nghiên cứu của chúng tôi có thể biến thành một xét nghiệm mà các bác sĩ có thể dễ dàng sử dụng để hướng dẫn các khuyến nghị điều trị".
Các kết quả có thể được sử dụng để điều chỉnh các lần chụp X-quang và điều trị tiếp theo ở các giai đoạn ung thư có nguy cơ quay trở lại.
Sử dụng các chỉ thị phân tử (các dấu hiệu, hoặc các đặc trưng có tính phân biệt giữa các cá thể. Các dấu hiệu này dựa trên sự khác biệt về trình tự gene của mỗi sinh vật) là một lĩnh vực đang bùng nổ cho nghiên cứu ung thư. Trước đây, các khối u đã được phân loại theo khu vực mà chúng bắt nguồn và các đặc điểm khác như kích thước.
Các nhà nghiên cứu cho biết khoảng 12.300 phụ nữ ở Anh có thể thuộc phân nhóm ung thư tái phát muộn, hiện đang được gộp chung với các dạng ung thư được xếp vào loại khối u dương tính với thụ thể estrogen.
Nếu các bác sĩ có khả năng xét nghiệm các đặc điểm phân tử thì người bệnh có thể được hưởng lợi từ các đợt hóa trị dài hơn, hoặc từ việc được kiểm tra sàng lọc theo dõi thường xuyên hơn.
Mô hình mới cũng giúp dự đoán nơi ung thư có khả năng lây lan, mức độ xâm lấn, hoặc mức kháng trị có khả năng xảy ra khi ung thư quay trở lại. Một lợi ích nữa là mang lại cho phụ nữ sự yên tâm về các rủi ro mắc bệnh.
Ngay bây giờ, "ung thư rất đáng sợ và chắc chắn là một điều đáng lo ngại", Catherine Scott, 51 tuổi, đến từ Cambridge, cho biết. Bà tham gia nghiên cứu sau khi được chẩn đoán mắc ung thư vú bộ ba âm tính - một dạng ung thư có ít lựa chọn điều trị nhất - vào năm 2016.
Khi đợt điều trị kết thúc, bà đã hỏi bác sĩ về khả năng ung thư tái phát vì lần kiểm tra tiếp theo của bà là tận một năm sau. Bác sĩ chỉ có thể dự đoán khả năng dựa trên các trường hợp cũ.
"Nếu họ có thể cá nhân hóa nhiều hơn thì sẽ yên tâm hơn", bà Scott nói. "Biết chắc chắn thì sẽ tốt hơn cảm giác bạn phải cầu may".
Nghiên cứu được đưa ra sau khi một nhóm khác của Đại học Cambridge công bố một máy tính trực tuyến dành cho nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt. Công cụ này giúp họ hiểu được nguy cơ ung thư và tác dụng phụ của phương pháp điều trị.
Tiến sĩ Simon Vincent, giám đốc nghiên cứu của tổ chức từ thiện Breast Cancer Now, cho biết: "Chúng tôi hy vọng phát hiện về 11 nhóm phân tử này có thể giúp dự đoán chính xác hơn về kết quả lâu dài và dẫn đến kế hoạch điều trị cá nhân hóa hơn cho bệnh nhân dựa trên đặc tính của khối u."
"Quan trọng là nghiên cứu lớn này có thể giúp chúng tôi phân tích các loại ung thư vú khó điều trị, hiện đang được nhóm lại thành 'bộ ba âm tính', và xác định xem bệnh nhân nào không có khả năng tái phát sau khi điều trị."