Những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng đau lưng và cổ, nhưng chưa rõ liệu bệnh tiểu đường có phải là nguyên nhân gây ra cơn đau hay không, một báo cáo đánh giá nghiên cứu kết luận.

Một phân tích đối với 5 nghiên cứu có tổng số mẫu 131.431 người cho thấy, bệnh nhân tiểu đường có khả năng bị đau lưng cao hơn 35% so với người bình thường. Theo hai nghiên cứu khác, với tổng số mẫu 6.560 người, bệnh nhân tiểu đường cũng có nguy cơ đau cổ cao hơn 24% so với người bình thường.

Tuy nhiên nghiên cứu duy nhất theo dõi bệnh nhân theo thời gian trong báo cáo đánh giá lại không tìm thấy mối liên hệ giữa nào giữa bệnh tiểu đường và nguy cơ đau lưng, cổ hoặc đau cột sống, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh trên tạp chí PLoS ONE. Điều đó cho thấy nguyên nhân gia tăng nguy cơ đau lưng ở bệnh nhân tiểu đường có thể nằm ở các yếu tố khác.

"Chúng ta biết rằng béo phì và không hoạt động thể chất là những yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu đường cũng như đau lưng, cổ, cột sống. Đây có thể là các mắt xích kết nối hai chứng bệnh", tác giả chính của báo cáo đánh giá - Manuela Ferreira, Đại học Sydney, Úc - cho biết.

"Giữ cho lượng đường trong máu bình thường, quản lý trọng lượng cơ thể và quan trọng nhất là duy trì hoạt động thể chất là chìa khóa trong việc ngăn ngừa các bệnh mãn tính này", Ferreira nói.

Một lon Coca-Cola 330ml thông thường chứa 35gr đường - nhiều hơn mức khuyến nghị hằng ngày. Ảnh: The Guardian.

Cứ hai người thì sẽ có một người trải qua chứng đau thắt lưng hoặc đau cổ tại một số thời điểm trong cuộc đời họ, các tác giả nghiên cứu lưu ý. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy bệnh tiểu đường làm cho loại đau mãn tính này có nhiều khả năng phát triển hơn, nhưng kết quả không có tính kết luận cao và kết nối giữa hai yếu tố là không rõ ràng.

Nhóm của Ferreira đã xem xét các bệnh nhân ở cả hai loại của bệnh tiểu đường, cả hai đều là bệnh mãn tính ảnh hưởng đến cách cơ thể quản lý lượng đường trong máu. Dạng phổ biến nhất, tiểu đường loại 2, có liên quan đến béo phì và lão hóa, thường xảy ra khi cơ thể sử dụng không đúng cách hoặc không tạo ra đủ lượng hóc-môn insulin để chuyển hóa đường trong máu thành năng lượng. Dạng ít phổ biến hơn, tiểu đường loại , phát triển ở trẻ nhỏ hoặc thanh niên và xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất insulin.

Nhóm của Ferreira đã kiểm tra dữ liệu từ 11 nghiên cứu khác nhau ở sáu quốc gia, xem xét các chứng đau lưng, đau cổ, đau cột sống hoặc một số kết hợp của các vấn đề này. Trong số 11 nghiên cứu, đã có nghiên cứu theo dõi những người mắc bệnh tiểu đường nhưng không bị đau xương để xem liệu ở họ, vấn đề này có phát triển theo thời gian hay không. Nhưng sau hai đến bốn năm theo dõi, nghiên cứu này không tìm ra mối liên hệ giữa tiểu đường với đau lưng, đau cổ hoặc đau cột sống.

Nhìn chung, tất cả 11 nghiên cứu này không được thiết kế để chứng minh liệu bệnh tiểu đường có thể gây ra đau lưng, cổ hoặc cột sống hay không. Các nghiên cứu cũng khác nhau trong định nghĩa về đau và bối cảnh bệnh nhân tiểu đường báo cáo chứng đau của họ.

Mặc dù vậy, có khả năng béo phì góp phần gây ra cả bệnh tiểu đường và các vấn đề đau cơ xương khớp, Tiến sĩ Ahmed Hassoon, nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, cho biết.

"Nếu chúng ta tăng thêm trọng lượng vượt quá khả năng của cột sống cũng như các đĩa và cơ hỗ trợ thì cột sống sẽ mất ổn định và xuất hiện đủ loại vấn đề. Và nếu chúng ta không vận động đủ, cơ bắp hỗ trợ của chúng ta sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ cột sống", Hassoon nói. “Những người mắc bệnh tiểu đường có thể thừa cân hoặc béo phì và mắc các biến chứng tiểu đường làm suy yếu chức năng của các mạch máu và dây thần kinh. Những vấn đề này có thể làm tổn hại sức khỏe cột sống và góp phần gây đau lưng”.

"Bệnh tiểu đường không được kiểm soát lâu dài có tác động tiêu cực đến các mạch máu, dây thần kinh, cơ bắp và xương", theo Hassoon. "Điều này cũng có thể tạo ra tất cả các loại triệu chứng cơ xương khớp, như đau mãn tính".