Phụ nữ tăng cân nhiều hơn mức khuyến nghị trong thai kỳ có thể tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng khi sinh, một nghiên cứu xem xét hơn nửa triệu ca sinh ở thành phố New York cho thấy.

Cụ thể, những phụ nữ tăng hơn 20 pound (9 kg) so với mức cân nặng được hướng dẫn có tỷ lệ suy tim, huyết áp cao nghiêm trọng và cần truyền máu hoặc thở máy cao hơn đáng kể, các nhà nghiên cứu báo cáo trong tạp chí Obstetrics & Gynecology.

"Chúng tôi đã thấy một sự đột biến lớn trong tỷ lệ tử vong bà mẹ ở Mỹ, và khi chúng ta xem xét các yếu tố nguy cơ có khả năng thay đổi, tăng cân là một yếu tố có thể thay đổi trong suốt thai kỳ", tác giả chính Marissa Platner tại viện Emory Healthcare và Trường Y Emory ở Atlanta, nói.

Năm 2009, Học viện Y khoa Quốc gia đã sửa đổi các hướng dẫn về tăng cân khi mang thai, dựa trên chỉ số khối cơ thể trước khi mang thai của phụ nữ (BMI, tỷ lệ cân nặng so với chiều cao).

Phụ nữ trong phạm vi BMI bình thường là 18,5-24,9 được khuyến khích tăng 25 đến 35 pounds (11 đến 16 kg) khi mang thai. Những người có chỉ số BMI dưới 18,5 nên tăng 28 đến 40 pounds (12,5 đến 18 kg). Phụ nữ thừa cân trước khi mang thai nên tăng cân ít hơn trong thai kỳ: 15 đến 25 pounds (6,8 đến 11 kg) cho những người có BMI từ 25 đến 29,9. Những người có BMI từ 30 trở lên chỉ nên tăng 11 đến 20 pounds (5 đến 9 kg) trong thai kỳ.

Tuy nhiên, gần một nửa số phụ nữ mang thai ở Hoa Kỳ tăng cân nhiều hơn mức được khuyến nghị. Đáng lo ngại hơn, tình trạng này đặc biệt hay xảy ra ở những người thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai, các tác giả lưu ý.

"Cần phải tối ưu hóa dinh dưỡng, chế độ ăn uống và tập thể dục trước khi bạn mang thai và sau đó trong khi mang thai. Đây là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để ảnh hưởng đến kết quả mang thai của mình", Platner cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét 515.148 ca sinh con từ dữ liệu của thành phố New York trong các năm 2008-2012, bao gồm thông tin về cân nặng trước khi mang thai và số cân tăng lên trong thai kỳ, cũng như các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến sinh nở như các chẩn đoán bệnh, các thủ tục cấp cứu và số tử vong.

Khoảng một phần tư số phụ nữ tăng ít cân hơn mức hướng dẫn của Học viện Y khoa Quốc gia Mỹ, một phần ba tăng trong phạm vi được khuyến nghị, một phần ba khác tăng nhiều hơn từ 1-19 pounds (0.5-8 kg) so với khuyến nghị và 8% tăng hơn 20 pounds (9kg) so với chỉ số BMI được hướng dẫn cho hạng cân của họ trước khi mang thai.

Nhìn chung, hai nhóm tăng cân trên mức được hướng dẫn có tỷ lệ biến chứng cao hơn khi sinh. Ví dụ, những phụ nữ này có nguy cơ bị suy tim cao hơn gần bốn lần trong khi làm thủ thuật và có khả năng cần thông khí phổi cao hơn khoảng hai lần rưỡi.

"Chúng tôi thấy việc tăng cân quá mức khi mang thai ảnh hưởng đến phụ nữ ở tất cả các mức cân nặng trước khi mang thai", Platner nói. "Nhiều bác sĩ và phụ nữ chỉ tập trung vào việc tăng cân quá mức khi mang thai ở những nhóm thừa cân hoặc béo phì, nhưng cần phải tính đến yếu tố này với tất cả mọi người, chứ không loại trừ nhóm cân nặng thấp trước khi mang thai".

Phụ nữ có BMI trước khi mang thai dưới mức bình thường có rủi ro cao nhất với việc tăng cân vượt phạm vi khuyến nghị. Nhưng ngoài việc tăng cân trong thai kỳ, tỷ lệ biến chứng nặng là cao nhất đối với phụ nữ có BMI trước khi mang thai trong phạm vi béo phì.

Theo một hướng dẫn mới đưa ra ở Úc vào cuối năm ngoái, phụ nữ mang thai sẽ được nhắc kiểm tra cân nặng tại mỗi cuộc hẹn chăm sóc sức khỏe. Ảnh: The Guardian.

Phụ nữ và bác sĩ của họ cần biết về những hướng dẫn liên quan đến tăng cân khi mang thai, Tiến sĩ Michelle Kominiarek, chuyên gia y khoa về bà mẹ và thai nhi ở Tây Bắc Chicago, người không tham gia nghiên cứu, cho biết.

"Một cuộc thảo luận về các mục tiêu tăng cân và phương pháp tăng cân để đạt được những mục tiêu đó nên là ưu tiên hàng đầu của các bác sĩ đối với bệnh nhân của họ", cô nói qua email.

Platner và nhóm của cô đang nghiên cứu những cách tốt nhất để nói chuyện với phụ nữ về chế độ ăn uống và tập thể dục khi mang thai. Ví dụ, việc tăng lượng calo một cách lành mạnh rơi vào khoảng 250 mỗi ngày, cô nói.

"Một chế độ ăn uống lành mạnh có lợi cho cả mẹ và em bé", bác sĩ Sarka Lisonkova thuộc Đại học British Columbia ở Vancouver, người không tham gia nghiên cứu.

"Mang thai là một yếu tố thúc đẩy tuyệt vời để bắt đầu hoặc tiếp tục một lối sống lành mạnh, bao gồm một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây và rau quả", Lisonkova nói qua email. "Lối sống này nên tiếp tục ngoài thai kỳ".