Theo tổ chức chống loãng xương Quốc tế (IOF) thì cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị loãng xương. Các bác sĩ thấy rằng phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao hơn hẳn nam giới. Vậy vì sao lại có tình trạng này?

Bệnh loãng xương là gì?

Loãng xương làm cản trợ công việc của phụ nữ. Ảnh minh họa.
Loãng xương làm cản trợ công việc của phụ nữ. Ảnh minh họa.

Loãng xương được định nghĩa là hiện tượng suy giảm về mật độ xương khiến xương trở nên giòn và dễ gẫy. Các nhà khoa học ước tính tại Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người bị loãng xương và có trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do chứng bệnh này.

Các bác sĩ thường dùng chỉ số mật độ xương (cách gọi tắt của thuật ngữ “mật độ chất khoáng trong xương”) để đo lường xem một người có bị loãng xương hay không. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales) đã làm khảo sát trên 1200 người dân ở thành phố Hồ Chí Minh thì thấy rằng mật độ xương ở phụ nữ thường thấp hơn ở nam giới, đặc biệt là ở người cao tuổi. Trên thực tế, tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ cao hơn hẳn ở nam giới.

Vì sao phụ nữ có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới?

Khi bị loãng xương hãy đến khám bác sõ để được tư vấn và điều trị.
Khi bị loãng xương hãy đến khám bác sõ để được tư vấn và điều trị.

Người ta thấy rằng khi bước sang độ tuổi mãn kinh, phụ nữ có nguy cơ cao bị loãng xương. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Câu trả chính là do nội tiết tố nữ Estrogen. Đây là hormone do buồng trứng tiết ra, nó cùng với progesteron tạo ra chu kì kinh nguyệt và sự nữ tính của phụ nữ. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng Estrogen có vai trò qua trọng trong việc giữ cho xương chắc khỏe.

Estrogen trong máu làm nhiệm vụ ức chế sự hoạt động của các tế bào hủy xương (loại tế bào làm giảm mật độ chất khoáng trong xương) bằng cách ngăn chặn enzyme caspase-3. Những phụ nữ có nồng độ Estrogen cao thường là những người có mật độ xương tốt.

Vào độ tuổi mãn kinh, nồng độ Estrogen của nữ giới giảm đột ngột dẫn đến giảm mật độ xương. Đây là chính là nguyên nhân khiến cho nguy cơ loãng xương ở phụ nữ cao hơn nam giới, đặc biệt là sau độ tuổi 40.

Ngoài ra, quá trình mang thai và cho con bú cũng làm tăng nguy cơ loãng xương ở người mẹ. Trong quá trình phát triển của bào thai, nhất là trong ba tháng đầu, lượng canxi mà thai nhi dùng để hình thành bộ xương hoàn toàn phải lấy từ người mẹ. Sau khi em bé ra đời, người mẹ cũng truyền một lượng đáng kể canxi cho con qua sữa. Vì thế, hai quá trình này làm cho mật độ xương ở phụ nữ suy giảm. Đây là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến loãng xương ở nữ giới.