Tim an toàn vì tế bào ít phân chia
Chia sẻ trên trang Mayoclinic của Mỹ, tiến sỹ (TS) y khoa Timothy Moynihan cho biết, ung thư tim là ung thư phát sinh trong tim. Các khối u ác tính chiếm khoảng 10%, hay gặp nhất là sarcoma - loại ung thư có nguồn gốc ở các mô mềm. Ung thư tim rất hiếm. Kết quả của 12.000 trường hợp khám nghiệm tử thi ở Mỹ chỉ xác định 7 trường hợp có khối u tim. Tại Mayo Clinic - một trung tâm y học lớn của Mỹ - trung bình chỉ có một trường hợp ung thư tim được phát hiện mỗi năm.
Trên trang Scientificamerican, TS Alex Aller - khoa Điều trị ung thư không phẫu thuật, Viện Nghiên cứu miền Nam nước Mỹ - giải thích: Mọi tế bào trên cơ thể đều có tiềm năng trở thành ác tính, vì thế ung thư có thể tác động tới tim. Ung thư xuất hiện từ đột biến trong DNA và thường một tế bào ung thư trải qua nhiều đột biến trước khi trở thành ung thư xâm lấn nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết các đột biến xảy ra khi tế bào phân chia và tạo ra bản sao DNA, chuyển đột biến vào các tế bào con.
Trong khi đó, các tế bào tim chỉ làm nhiệm vụ chính là bơm máu mà không sao chép để tạo các tế bào tim mới, trừ khi có một số tế bào cũ bị tổn thương. Điều này nghĩa là có rất ít cơ hội xảy ra đột biến và truyền lại cho tế bào con.
Điện tâm đồ là một trong các phương pháp chẩn đoán ung thư tim. Ảnh: Telegram
Để hiểu rõ hơn, bạn thử nghĩ tới các loại ung thư hay gặp như ung thư vú, đại tràng, da... Hầu hết tế bào ở các nhóm mô này đều tự sao chép mọi lúc. Mô ngực liên tục bị tác động bởi hoócmôn và lớn lên hay co lại. Niêm mạc đại tràng cũng liên tục bị bong và thay thế. Điều tương tự xảy ra với da. Mặt khác, tế bào da và đại tràng còn thường xuyên tiếp xúc với các nhân tố gây ra đột biến như tia tử ngoại và chất gây ung thư trong thực phẩm. Ngược lại, tim chỉ tiếp xúc với máu. Điều này cộng với thực tế các tế bào tim ít tự sao chép là lý do ung thư tim rất hiếm gặp.
Trao đổi với Tạp chí Medical Daily, bác sỹ Mitchell Gaynor - phó giáo sư tại Trường y Weill Cornell (Mỹ) - cho biết rất hiếm thấy khối u nguyên phát ở tim mà thường là các khối u thứ phát di căn đến tim, phổ biến nhất là từ phổi, thực quản, cũng có thể từ gan và dạ dày. Lý do nằm ở bộ gene của chúng ta. Chính sự biến đổi không ngừng của gene trong suốt cuộc đời mỗi người có thể gây ung thư. Sự biến đổi này chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như môi trường, thực phẩm.
“Rất nhiều độc tố được tìm thấy trong mô vú bởi tại đó có nhiều tế bào mỡ. Một số nơi tập trung nhiều mỡ khác cũng được phát hiện chứa chất độc” - Gaynor giải thích.
Theo Gaynor, không có nhiều mô mỡ ở tim. Tim được bao bọc trong một màng được gọi là màng ngoài tim, có khả năng ngăn ung thư xâm lấn cơ tim. Vì vậy, dù bệnh ung thư có thể xảy ra bất cứ nơi nào có tế bào nhưng trái tim hầu như vẫn được miễn dịch.
Khó chẩn đoán
Theo Johns Hopkins Medicine, vì hiếm gặp và có các triệu chứng khá giống với nhiều bệnh tim khác, ung thư tim thường khó chẩn đoán. Những người có nhịp tim bất thường hay các dấu hiệu suy tim không rõ nguyên nhân có thể được chẩn đoán là u tim sau khi đánh giá đầy đủ tiền sử gia đình, triệu chứng và làm xét nghiệm. Những người đang mắc ung thư ở bộ phận khác đồng thời có triệu chứng bệnh tim cũng cần được sàng lọc ung thư tim.
Nếu nghi ngờ bệnh nhân có u tim, bác sỹ có thể thực hiện một vài trong các biện pháp sau để xác định: Xét nghiệm máu, chụp X - quang ngực, siêu âm tim, điện tâm đồ, thông tim, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp, chụp mạch vành. Ung thư tim có thể gây ra những vấn đề như: Tắc nghẽn lưu lượng máu qua tim, tăng cứng cơ tim (tim xơ), gây hư hại các van tim.
Các khối u lành tính ở tim có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật; nhưng nếu đó là khối u ác tính thì cần xạ trị hoặc hóa trị vì chúng không thể bị loại bỏ bằng phẫu thuật. Đôi khi người ta tiêm thuốc vào vùng màng ngoài tim để làm chậm sự phát triển của khối u. Khả năng hồi phục khá hiếm.