Ngày 26.5 tới đây, phong trào Design For Change - tạm dịch là “Kiến tạo để thay đổi” phong trào lớn nhất thế giới mà ở đó, trẻ em tham gia đóng góp sáng kiến và thực hiện các dự án có ích cho cộng đồng sẽ chính thức ra mắt tại Việt Nam.

Tên chương trình là “Thế hệ tử tế”, điều hành bởi một cô gái trẻ làm giáo dục. Vui hơn, là cùng lúc, người ta chia sẻ lại video clip ca sĩ nổi loạn Lady Gaga ngồi cùng Đạt Lai Lạt Ma để nói về sự tử tế của con người…

Uyên Phương, cà chua và 1 năm chuẩn bị sự tử tế

Tôi biết Nguyễn Thúy Uyên Phương khoảng 10 năm trước, khi cô giữ vị trí giám đốc dự án “Institute for potential leaders - Học viện Lãnh đạo tiềm năng” của trường doanh nhân PACE. Lúc đó, Uyên Phương là thủ lĩnh của một cộng đồng các nhà quản lý trẻ tài năng, đam mê và giàu khát vọng. Bẵng đi một thời gian, thấy Phương thỉnh thoảng đăng thông tin về việc tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu về các phương pháp giáo dục trẻ em ở nhiều quốc gia khác nhau. Rồi Phương về nước, mở ra chuỗi trường Tomato (tạm dịch là trái cà chua) - chuỗi Trường Ngoại khóa chuyên sâu đầu tiên tại Việt Nam với nhiều phương pháp đa dạng như: Giáo dục cảm xúc (Social & Emotional Learning), Tư duy kiến tạo (Design Thinking), Đọc tương tác (Interactive Reading), Học theo dự án (Project-based Learning), Học qua các trò chơi (Play-based learning). Hiện TOMATO Children’s Home có 03 cơ sở tại Tp. Hồ Chí Minh, với gần 10.000 trẻ em tham gia các chương trình của trường.

Phương dạy học, dịch sách, làm tư vấn tâm lý và 1.001 công việc có tên và không tên khác xoay quanh việc làm sao để tạo ra những tác động nhiều nhất trong khả năng của mình đối với chuyện học hành và vui chơi và phát triển của các bạn nhỏ. Xong “đùng một phát”, Phương khẽ khàng khoe: “Giới thiệu với mọi người “đứa con” mà tụi mình đã ấp ủ trong suốt năm qua: dfcvietnam.org và cảm ơn những người mang đến những giọt nước mát lành đầu tiên để ươm mầm một “Thế hệ Tử tế” - “A Giving Generation”.

Hóa ra, đó là DFC (viết tắt của “Design for Change”, tạm dịch là “Kiến tạo để thay đổi”) là phong trào lớn nhất thế giới mà ở đó, trẻ em tham gia đóng góp sáng kiến và thực hiện các dự án có ích cho cộng đồng. Hiện DFC có mặt tại 65 quốc gia, tác động đến hơn 2,2 triệu trẻ em và 65.000 giáo viên trên toàn cầu. Phong trào DFC được sáng lập bởi nhà giáo dục Kiran Bir Sethi - người được Global Teacher Prize bình chọn là một trong 10 nhà giáo hàng đầu thế giới vào năm 2015.

Nguyễn Thúy Uyên Phương. Ảnh: NVCC

DFC nuôi dưỡng tư duy“Tôi có thể” ở mỗi đứa trẻ. Tinh thầnnày trao quyền cho trẻ em và tạo cơ hội để thể hiện ý tưởng của mình cho một thế giới tốt đẹp hơn và đưa ý tưởng đó vào hành động. Khi tham gia DFC, trẻ em cùng thực hiện các dự án có ích cho cộng đồng. Quá trình thực hiện dự án giúp các em thực hành tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, trở thành những công dân tự tin, trách nhiệm.

“DFC khiến xã hội nhìn nhận về vai trò trẻ em chủ động hơn, rằng trẻ em không phải là vô dụng. Bên trong mỗi trẻ em đều tiềm ẩn những giá trị tốt đẹp như sự hướng thiện, lòng yêu thương, khả năng sáng tạo và tưởng tượng vô tận - làm nên những “siêu năng lực” mà trẻ em là người sở hữu dồi dào hơn ai hết. Vì thế, hãy tin và trao quyền cho trẻ em! Mọi trẻ em đều có thể trở thành hạt giống tích cực góp phần thay đổi cộng đồng!” - Uyên Phương tin tưởng.

“Tư duy kiến tạo”/ “Design Thinking” là một phương pháp tư duy gồm 4 bướcđơn giản để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo là Feel-Imagine-Do-Share(Đồng cảm - Hình dung - Thực hiện - Chia sẻ), gọi tắt là FIDS. Với công cụ này, hàng triệu trẻ em DFC trên toàn cầu để thiết kế các giải pháp chạm đến các thách thức lớn nhất của thế giới.

Đến “cái giếng tử tế” của Lady Gaga

Một cách ngẫu nhiên, tuần rồi, Facebook của nhiều người đồng loạt chia sẻ lại một đoạn nói chuyện của “nữ hoàng nổi loạn” sân khấu thế giới Lady Gaga về sự tử tế. Cô gái tài năng này, ăn mặc và trang điểm rất đúng mực, ngồi với người đàn ông được trọng vọng Đạt Lai Lạt Ma, và nói những điều rất sâu sắc về một thế giới tử tế hơn. Khán giả của hội nghị này, có đến hơn 300 thị trưởng các thành phố khác nhau trên toàn thế giới, để kêu gọi việc các thành phố nên đầu tư nhiều hơn vào chiến lược xây dựng những cộng đồng tử tế, thứ quan trọng mà ai cũng đủ nguồn lực để tạo dựng.

Trên trang twitter của cá nhân mình, cô viết: “Sự tử tế là thứ tiền tệ miễn phí từ một cái giếng không bao giờ cạn”… Tò mò tìm hiểu, thì ra từ nhiều năm trước, cô cùng người mẹ của mình đã thành lập một tổ chức mang tên Born this way foundation - một cái tên mang nghĩa ngầm hiểu là “Nhân chi sơ tính bản thiện”.

Cô ca sĩ có sức ảnh hưởng khá lớn này tin rằng, sự tử tế chính là nền tảng của mọi việc mà chúng ta có thể làm, từ cách chúng ta đối xử với người khác, cách chúng ta cảm nhận về cộng đồng và vì vậy, mỗi ngày Lady Gaga đều kiên trì tìm cách truyền cảm hứng để các bạn trẻ trên toàn thế giới có thể có những sự thay đổi tuy nhỏ, nhưng có thể tạo ra những tác động lớn hơn về sự trong lành và hiệu quả của các cộng đồng quanh mình.