Có thể bạn chưa bao giờ nghe nói đến siêu vi trùng bạch cầu T loại 1 ở người, hay HTLV-1. Nhưng giờ đây, tỷ lệ nhiễm HTLV-1 ngày càng cao ở một số vùng của nước Úc buộc các nhà khoa học phải kêu gọi nỗ lực đối phó với siêu vi trùng có họ hàng với HIV này.
Ở những khu vực xa xôi hẻo lánh thuộc Central Australia, tỷ lệ nhiễm HTLV-1 vượt quá 40% đối với người lớn, hầu hết là những người dân bản địa. “Tình trạng lây nhiễm ngày càng lan rộng” - bác sĩ Robert Gallo, người đã hỗ trợ phát hiện ra HTLV-1 vào năm 1979 cho biết.
Theo Robert Gallo, hiện nay có rất ít nghiên cứu phục vụ việc phát triển các cách điều trị hoặc vắc-xin cho căn bệnh gây ra bởi vi-rút này.
Sự khác biệt giữa HIV và HTLV-1
HTLV-1, có “họ hàng xa” với HIV, được phát hiện chủ yếu ở khu vực Châu Phi Hạ Sahara (vùng lục địa châu phi nằm phía nam Sahara), Mỹ Latinh, Ca-ri-bê, Nhật Bản và Central Australia.
Siêu vi trùng này gây nhiễm trùng các tế bào bạch cầu (tế bào T) và có khả năng dẫn đến bệnh ung thư bạch cầu - theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin về các bệnh di truyền và bệnh hiếm - GARD, Mỹ. Ngoài ra, HTLV-1 còn có thể gây bệnh cho hệ thống thần kinh, dẫn đến liệt chi dưới.
Mặc dù giữa HTLV-1 và HIV có vài điểm tương đồng nhưng cũng có những khác biệt mấu chốt.
Giống như HIV, HTLV-1 có thể lây nhiễm qua đường tình dục, truyền máu hoặc sử dụng chung kim tiêm. Nó có cũng thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh con và cho con bú, theo GARD.
Tuy nhiên, HTLV-1 không dễ lây nhiễm như HIV, và chỉ một tỷ lệ nhỏ (2% - 6%) người mang trong mình vi-rút HTLV-1 sẽ phát triển thành bệnh, theo bác sĩ William Schaffner - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Vanderbilt, Nashville, Tennessee, Mỹ.
Điều này có nghĩa là, phần lớn trong số 20 triệu người trên toàn thế giới nhiễm HTLV-1 không trải qua bất kỳ triệu chứng gì trong suốt cuộc đời của họ. (Sự lây nhiễm HTLV-1 chỉ tập trung ở vài khu vực trên thế giới và những nơi ngoài khu vực đó gần như không bị ảnh hưởng, tỷ lệ nhiễm HTLV-1 chỉ là 0,02%).
Thêm vào đó, những người mắc bệnh do HTLV-1 thường không nhận ra những triệu chứng cho đến 20-30 năm sau, Schaffner cho biết. Trái lại, thời gian trung bình để vi-rút HIV phát triển thành AIDS là 10 năm hoặc sớm hơn, theo Đại học California (San Francisco).
Bác sĩ Schaffner nhấn mạnh, chính những điểm khác biệt giữa HIV và HTLV-1 khiến HTLV-1 ít được biết đến hơn và ít được nghiên cứu hơn.
Điều cần hành động lúc này là “chúng ta phải bù lại những gì chúng ta chưa làm trước đây” và “chúng ta phải nhanh chóng dành sự quan tâm cho HTLV-1,” bác sĩ Gallo phát biểu trên CNN.
Trong khi đó, bác sĩ Schauffner tin rằng, nghiên cứu về HTLV và nghiên cứu về HIV có tác dụng tương hỗ lẫn nhau. “Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề vắc-xin HIV, tôi nghĩ nó sẽ giúp ích trong việc đẩy nhanh phát triển vắc-xin HTLV”.