Loại gene mcr–1 giúp vi khuẩn trở nên nhờn với chất kháng sinh colistin, hiện đang lây lan trên khắp thế giới, lại có nguồn gốc từ những trang trại lợn ở Trung Quốc – một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra điều đó.
Do một số tác dụng phụ tiềm ẩn mà colistin thường chỉ được sử dụng làm thuốc kháng sinh sau cùng đối với một số loại mầm bệnh như siêu vi khuẩn E.coli, tuy nhiên sự lây lan của mcr-1 cũng khiến cho hiệu quả của thuốc giảm đi. Ngoài ra, gene này còn có thể lây nhiễm giữa các loài vi khuẩn khác nhau, khiến việc ngăn chặn trở nên cực kỳ khó khăn. TS Francois Balloux, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học College London, cho biết: mặc dù mới chỉ bắt đầu từ năm 2005 nhưng tốc độ lây lan của chúng quả thật rất đáng kinh ngạc
Bằng cách giải trình tự gene của 110 chủng vi khuẩn để đối chiếu với cơ sở dữ liệu di truyền hiện có, nhóm nghiên cứu đã xác định được một tập hợp dữ liệu lớn, bao gồm 457 chuỗi mcr-1 dương lấy từ cơ thể người và động vật tại các trang trại trên khắp năm châu lục. Kết quả này cho phép họ chỉ ra đích xác nơi mà mcr–1 phát tích, và bằng cách nào gene này phát tán – ở đây là thông qua một cơ chế tự gắn kết với nhiều loại mầm bệnh và vi khuẩn khi di chuyển “nhờ” trên các yếu tố di truyền di động khác nhau.
Các nhà khoa học khuyến cáo đây là thời điểm mà chúng ta cần phải theo dõi cách thức lây lan của mcr–1 để có sự chuẩn bị tốt hơn nếu phải đối phó với những thế hệ gene nhờn kháng sinh (AMG) trong tương lai. Nhiệm vụ này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự hợp tác liên quốc gia.
Trong khi các bệnh viện đang vật lộn với sự lây lan của các mầm bệnh và siêu vi khuẩn, nhiều chuyên gia đã cảnh báo tình trạng còn có phần xấu đi, và giới nhà khoa học cũng đang cố gắng làm hết sức để cải thiện năng lực y khoa nhằm giải quyết vấn nạn. Trong đó, giải trình tự DNA cũng có thể được xem như một giải pháp.
Phạm Nhật (Theo Science Alert)