Tỉ lệ thai chết lưu ở một số nước tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp 4 lần do các dịch vụ chăm sóc sản phụ bị COVID-19 làm cho gián đoạn.

Một loạt các nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới cho thấy một xu hướng đáng lo ngại: đã có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ thai chết lưu trong bụng mẹ kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Trong đó, nghiên cứu lớn nhất về tỷ lệ thai chết lưu dựa trên dữ liệu từ hơn 20.000 phụ nữ đã sinh con tại 9 bệnh viện ở khắp Nepal, được công bố trên tạp chí The Lancet Global Health ngày 10/8. Theo đó, tỷ lệ thai chết lưu đã tăng từ 14/1.000 ca sinh trước khi quốc gia này bắt đầu bước vào đại dịch vào cuối tháng 3 lên 21/1.000 ca sinh vào cuối tháng 5 - tức tăng gần gấp đôi. Mức tăng mạnh nhất là vào bốn tuần phong tỏa đầu tiên, khi mọi người chỉ được phép rời nhà để mua thực phẩm và nhận dịch vụ chăm sóc thiết yếu.

Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng những sản phụ có nguy cơ sức khỏe sẽ không được theo dõi trong đại dịch.

Nghiên cứu do Ashish K.C., nhà dịch tễ học chu sinh tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, dẫn đầu, phát hiện ra rằng, mặc dù tỷ lệ thai chết lưu tăng vọt nhưng tổng số ca thai chết lưu ghi nhận được không thay đổi trong suốt đại dịch. Đó là bởi vì trong đại dịch, ít sản phụ sinh con trong bệnh viện hơn và các nhà nghiên cứu không ghi nhận được tình trạng của những sản phụ và thai nhi không đến bệnh viện. Vì vậy họ không thể nói liệu tỷ lệ thai chết lưu nói chung trong dân số có tăng hay không. Thực tế là số ca sinh tại bệnh viện đã giảm một nửa, từ mức trung bình 1.261 ca sinh/tuần trước khi phong tỏa xuống còn 651.

Ashish K.C. cho biết sự gia tăng tỷ lệ thai chết lưu không phải do nhiễm COVID-19 mà có lẽ do đại dịch đã ảnh hưởng đến việc khám thai định kỳ, kéo theo các biến chứng có thể xảy ra và dẫn đến thai chết lưu. Phụ nữ mang thai có thể không thể đến các cơ sở y tế vì thiếu phương tiện giao thông công cộng; trong một số trường hợp, các cuộc hẹn khám thai bị hủy bỏ. Những người khác có thể đã tránh bệnh viện vì sợ nhiễm SARS-CoV-2, hoặc chỉ được tư vấn qua điện thoại hoặc Internet. Sự gián đoạn do đại dịch gây ra trước đây cũng đã được chứng minh là liên quan đến gia tăng số ca tử vong do bệnh tim và tiểu đường.

Dữ liệu về các ca sinh từ một bệnh viện lớn ở London cho thấy xu hướng tương tự. Vào tháng 7, Asma Khalil, bác sĩ sản khoa tại bệnh viện St George's, Đại học London, và các đồng nghiệp đã báo cáo tỷ lệ thai chết lưu tại bệnh viện này tăng gần gấp 4 lần, từ 2,38/1.000 ca sinh từ tháng 10/2019 đến cuối tháng 1/2020 lên đến 9,31/1.000 ca sinh trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020 đến giữa tháng 6/2020.

Khalil gọi đây là tổn thất kéo theo của đại dịch. Cô nói rằng, trong thời gian phong tỏa, phụ nữ mang thai có thể đã phát triển các biến chứng mà không được chẩn đoán, và có thể họ do dự không đến bệnh viện, bởi vậy bác sĩ chỉ phát hiện biến chứng khi nó đã trở nặng và khó chữa trị.

Bốn bệnh viện khác ở Ấn Độ cũng báo cáo tỷ lệ thai chết lưu tăng vọt trong thời gian đất nước đóng cửa. Giống như ở Nepal, số phụ nữ sinh con trong các bệnh viện đó đều giảm. Điều này cho thấy có nhiều ca sinh nở không được giám sát tại bệnh viện hoặc tại các cơ sở y tế nhỏ. Scotland - một trong số ít các quốc gia thu thập dữ liệu về thai chết lưu và tử vong ở trẻ sơ sinh hằng tháng - cũng phát hiện sự gia tăng tỷ lệ thai chết lưu trong những tháng xảy ra đại dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, phụ nữ nên gặp các chuyên gia y tế ít nhất 8 lần trong thai kỳ để phát hiện và quản lý các vấn đề có thể gây hại cho mẹ, con hoặc cả hai.

Nhưng khi đại dịch xảy ra, các cơ quan chuyên môn về chăm sóc sức khỏe thai sản lại khuyến cáo sản phụ nên tránh một số buổi tham vấn trực tiếp với bác sĩ, thay vào đó trao đổi từ xa để tránh nguy cơ nhiễm COVID-19. Do các nhân viên chăm sóc sức khỏe không thể đo huyết áp, nghe nhịp tim của thai nhi hoặc siêu âm từ xa, những trường hợp mang thai có nguy cơ cao có thể đã bị bỏ sót.

Các nghiên cứu và số liệu mới là một lời kêu gọi chung tay hỗ trợ các dịch vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình, Caroline Homer, nhà nghiên cứu hộ sinh tại Viện Burnet ở Melbourne, Australia, nói. Đây không phải là thời điểm để giảm bớt những dịch vụ này, theo Homer. Trong khi đó, trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, lực lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ đã chuyển sang tuyến đầu chống COVID-19 và các dịch vụ chăm sóc tiền thai sản cũng giảm bớt tiếp xúc trực tiếp với phụ nữ mang thai. Ở một số nơi, các dịch vụ này đã đóng cửa hoàn toàn, Homer nói.


Nguồn: