Nhiều cha mẹ chọn cách tét mông để trừng phạt con khi chúng phạm lỗi và cho rằng đây là cách cảnh cáo nhẹ nhàng, giúp trẻ biết đúng - sai. Nhưng các nhà khoa học cảnh báo tác hại của hành vi này có thể rất nghiêm trọng.
45% số cha mẹ Mỹ tét mông con
Vài năm trước, Adrian Peterson - ngôi sao bóng bầu dục của đội Minnesota Vikings (Mỹ) - bị truy tố vì tội hành hung con. Những bức ảnh rò rỉ cho thấy các vết bầm ở vùng chân, lưng, mông… cậu bé. Thanh minh trên Twitter, ngôi sao này nói rằng anh ta không hề bạo hành, mà đó đơn giản chỉ là cách dạy con. Sự việc này đã chia rẽ các bậc cha mẹ Mỹ thành 2 phe - kẻ phản đối, người ủng hộ - với những tranh cãi không dứt.
Tét mông là phương pháp giáo dục trẻ được ghi nhận từ hàng nghìn năm nay trong các tài liệu sử học và vẫn phổ biến đến bây giờ. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Pew (Mỹ) vào năm 2014, có đến 45% số phụ huynh Mỹ sử dụng hình thức tét mông để dạy con. Một điều tra khác cũng trong năm đó - do tờ The Huffington Post và YouGov tiến hành - cho thấy 81% trong số 1.000 người được hỏi cho rằng việc tét mông con nên được coi là hợp pháp, bởi đây là một hình thức phạt hiệu quả.
Nhà tâm lý Elizabeth Gershoff - đồng tác giả nghiên cứu mới đây về tác hại của việc tét mông trẻ - giải thích: “Nhiều bậc cha mẹ vẫn tét mông để giáo dục con là do họ nghĩ cách làm này thực sự hiệu quả. Nhận thấy phản ứng tức thời của đứa trẻ là khóc, họ cho rằng “à, nó biết là mình đang bực”. Lý do thứ hai là chính cha mẹ cũng từng được dạy dỗ bằng cách tét mông và họ nghĩ đây là một hành động chấp nhận được”.
Bạo lực không khiến trẻ ngoan hơn
Theo bà Elizabeth Gershoff, tét mông cũng là một kiểu bạo lực, mà bạo lực làm thay đổi mối quan hệ. Nó khiến đứa trẻ hiểu rằng “nếu có sức mạnh, bạn có thể đánh người”, hay “bạn có thể đánh người để đạt thứ mình muốn”. Sau này, trong mối quan hệ với bạn bè, trẻ có xu hướng dùng bạo lực để giành lấy thứ mà chúng muốn có.
Cùng quan điểm này, GS Sandra Graham-Bermann - thuộc Đại học Michigan (Mỹ) - cho rằng: “Tét mông có thể giải quyết được vấn đề về cách hành xử của trẻ, nhưng đó là do trẻ sợ. Về lâu dài, việc trừng phạt thân thể chỉ khiến hành vi của trẻ tồi tệ hơn”.
Cây bút Sarah Kovac của CNN nói: “Có một sự thật mỉa mai là bạn càng đánh trẻ vì chúng không kiểm soát được bản thân thì chúng sẽ càng không kiểm soát bản thân. Chúng học cách kiểm soát mình bởi các lực lượng bên ngoài (như cha mẹ, thầy cô, ông chủ) và khi những người này khuất xa tầm mắt, điều gì sẽ xảy ra?”.
Nguy cơ biến đổi hoàn toàn đứa trẻ
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tét mông chỉ đem lại hậu quả tiêu cực cho con trẻ. Một nghiên cứu của Đại học Tulane (Mỹ) năm 2010 phát hiện những trẻ hay bị tét mông ở tuổi lên ba thường có biểu hiện hiếu chiến khi lên năm tuổi.
Để đưa ra kết luận này, họ đã khảo sát 2.500 bà mẹ, hỏi về tần suất tét mông đứa con 3 tuổi của mình trong vòng 1 tháng gần nhất và mức độ hiếu chiến, đặc tính cá nhân… của đứa trẻ.
Kết quả, 45,6% số bà mẹ khẳng định không đánh con, 27,9% cho biết có đánh 1-2 lần và 26,5% lặp lại hành vi này hơn 2 lần. So với những trẻ không bị đánh, trẻ hay bị tét mông vô lễ, thô bạo, ích kỷ hơn, thường xuyên la hét, cãi lại, phá đồ đạc, đánh và đe dọa người khác hơn.
Một nghiên cứu dựa vào phân tích số liệu trong vòng 20 năm - đăng tải trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada - cũng chỉ ra rằng, các hình thức trừng phạt bằng đòn roi có thể dẫn tới tình trạng tâm lý thất thường, hay lo lắng, phụ thuộc vào rượu hoặc thuốc phiện cũng như có biểu hiện rối loạn nhân cách.
Một nghiên cứu khác thực hiện năm 2009 chỉ ra thực tế đáng sợ: Tét mông khiến não trẻ thay đổi. Theo đó, những em bé bị tét mông ít nhất 1 lần mỗi tháng - kéo dài trong 3 năm - có ít chất xám hơn ở một số vùng của vỏ não trước, dẫn tới hiện tượng trầm cảm, nghiện ngập và nhiều bất thường về sức khỏe tâm thần. Những em bé này cũng thường bị suy giảm nhận thức hơn so với trẻ không phải chịu đòn.
May mắn là không phải tất cả trẻ em từng bị tét mông lớn lên đều “hỏng”. Bà Gershoff cho rằng: “Tôi không nghĩ chúng ta trở thành người tốt nhờ bị ăn đòn. Chúng ta học những điều tốt đẹp từ cha mẹ mình, những người dạy ta giá trị và luân lý của việc chia sẻ với người khác, biết suy nghĩ và cảm nhận về cảm xúc mà người khác trải qua”.
Vậy nếu không tét mông thì nên dạy con cách nào khi trẻ không ngoan? “Chẳng hề tồn tại phương pháp nào có thể áp dụng cho mọi trẻ, mọi tình huống, mọi độ tuổi. Nếu mục đích là dạy trẻ cách cư xử, điều quan trọng nhất là giải thích cho con hiểu vì sao cách hành xử này sai và cha mẹ muốn con làm gì trong tương lai” - bà Gershoff gợi ý.
Sau khi phân tích dữ liệu từ 75 nghiên cứu về mối quan hệ của việc tét mông với biểu hiện tình cảm, nhận thức, thân thể của trẻ, hai nhà khoa học Elizabeth Gershoff - thuộc Đại học Texas và Andrew Grogan-Kaylor - thuộc Đại học Michigan (Mỹ) kết luận: Tét mông dẫn tới 13 trong số 17 hậu quả tiêu cực mà họ đặt ra, trong đó có việc khiến trẻ trở nên hiếu chiến hơn, hay gặp các vấn đề về hành vi và sức khỏe tâm thần, làm giảm khả năng nhận thức và lòng tự trọng. |