Thái độ hằn học, “giận cá chém thớt” là khởi nguồn cho nhiều hành vi tàn ác bậc nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện, thói “giận cá chém thớt” dễ đi kèm với các tính cách tiêu cực như tàn nhẫn, thủ đoạn, xảo quyệt, kém tự trọng…

Hằn học, “giận cá chém thớt” không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tình cảm mỗi cá nhân mà trong nhiều trường hợp còn gây hại nghiêm trọng cho xã hội.


Hiện tượng tâm lý phổ biến


Tâm lý học chỉ ra 6 quy luật tình cảm của con người - bao gồm quy luật thích ứng, quy luật lây lan, quy luật di chuyển, quy luật tương phản, quy luật pha trộn và quy luật về sự hình thành tình cảm. Trong đó, “giận cá chém thớt” là biểu hiện của hiện tượng tình cảm, cảm xúc di chuyển từ người này sang người khác, là quy luật di chuyển của đời sống tình cảm con người.


Hiện tượng “giận cá chém thớt” xảy ra ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính hay địa vị xã hội.


Bảo mẫu Gulchekhra Bobokulova tại phiên xét xử ở Moscow. Ảnh: Japantimes
Bảo mẫu Gulchekhra Bobokulova tại phiên xét xử ở Moscow. Ảnh: Japantimes

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Psychological Assessment, David Marcus - chuyên gia tâm lý học thuộc Đại học bang Washington (Mỹ) - chỉ ra rằng, những cặp vợ chồng mâu thuẫn dẫn đến ly hôn thường có xu hướng làm tổn thương nhau, thậm chí làm tổn thương cả con cái của họ. Cũng theo nhà tâm lý này, thái độ hằn học, “giận cá chém thớt” là khởi nguồn cho nhiều hành vi tàn ác bậc nhất thế giới.

Mới đây - hồi đầu tháng 3, nước Nga rúng động vì vụ một bảo mẫu tên là Gulchekhra Bobokulova - 38 tuổi, người gốc Uzbekistan - sát hại dã man một đứa trẻ ở Moscow bằng cách chặt đầu bé.


Theo hãng tin Reuters, khi bị bắt người phụ nữ này tuyên bố, mục đích hành động của cô ta là trả thù cho việc Điện Kremlin phát động chiến dịch không kích tại Syria. Được biết, Nga đã bắt đầu phát động chiến dịch can thiệp vào Syria từ ngày 30/9/2015 để tiêu diệt tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).


Theo ông Marcus, “giận cá chém thớt”, hằn học là một trong những đặc điểm tính cách đen tối, tiêu cực của con người. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc khảo sát với 946 sinh viên đại học cùng 297 người trưởng thành tự nguyện khác và phát hiện ra rằng, những người dễ “giận cá chém thớt” cũng có các đặc điểm tính cách tiêu cực như tàn nhẫn, thủ đoạn, xảo quyệt, kém tự trọng, không có cảm giác xấu hổ với tội lỗi, thiếu sự đồng cảm...


Ngược lại, những người ít “giận cá chém thớt” lại dễ cảm thấy tội lỗi, có lòng tự trọng cao, lương thiện, tốt bụng...


Nói cách khác, những người có bản tính tự cao, tự đại và nhiều thủ đoạn, xảo quyệt là đối tượng có mức độ hằn học, “giận cá chém thớt” cao hơn. Ngoài ra, ở những người trẻ tuổi, tính xấu này cũng đậm nét hơn so với trẻ em và người già. Nhà nghiên cứu David Marcus còn chỉ ra rằng, đàn ông thường dễ “giận cá chém thớt” hơn so với phái đẹp.


Bi kịch đau lòng sau cơn trút giận


Năm 2009, cả đất nước Australia đau đớn, kinh hoàng và phẫn nộ trước vụ án một người cha tên là Arthur Freeman - 37 tuổi, nhẫn tâm ném con gái bốn tuổi của mình xuống cầu Westgate ở Melbourne trước mặt hai người em trai của bé. Tội ác của Freeman khiến các nhân chứng chết lặng. Người cha tàn bạo này phải lĩnh án 32 năm tù về tội giết người.


Nguyên nhân dẫn đến hành động giết con của Arthur Freeman xuất phát từ những tranh chấp dai dẳng với mẹ bé. Peta Barnes - mẹ của bé Darcy - từng thổ lộ với các bác sỹ rằng, người chồng hay bạo hành của cô thường trút giận lên con cái của họ từ khoảng 2 năm trước khi bi kịch đau lòng xảy ra.


Tương tự, vào tháng 11/2010, một người cha tên là Ramazan Acar - khi đó 23 tuổi, cũng đã nhẫn tâm đâm chết con gái 2 tuổi - bé Yazmina - để trả thù vợ cũ, khiến dư luận Australia phẫn nộ.


Nguyên nhân giết con của Ramazan Acar cũng chỉ vì tức giận khi vợ cũ giành được quyền nuôi con gái. Acar đã bắt cóc bé Yazmina, đâm chết bé rồi sau đó nhắn tin cho vợ cũ thừa nhận mình làm vậy là để trả thù. Acar bị tòa tuyên án tù chung thân vì tội giết con.


“Tôi giết con bé để khiến cô đau khổ. Ngay cả khi tôi phải đi tù, tôi cũng sẽ tiếp tục khiến cô đau khổ” - đó là nội dung tin nhắn mà Ramazan Acar gửi cho vợ cũ. Trước đó, cặp vợ chồng chia tay vì Acar thường xuyên đánh đập, hành hung và làm nhục người vợ.


Theo các chuyên gia, giết con cái để trả thù vợ/chồng được xem là hành động trả thù cuối cùng trong nấc thang bạo lực gia đình. Trong một cuộc phỏng vấn với The Age, tiến sỹ Ben Buchanan thuộc Trung tâm Tâm lý và Tư Vấn Victoria cho biết: “Khi xảy ra bạo lực trong gia đình, bố mẹ có xu hướng “giận cá chém thớt”, giết con để trút giận”.


Tiến sỹ Buchanan cho hay, những người đàn ông phạm tội giết con thường nhìn thấy một phần của vợ trong các con mình. “Con cái là hình ảnh của cha mẹ, chúng mang những nét đặc trưng của người mẹ nhưng dễ bị tổn thương hơn” - ông Buchanan nhận định.


Sam van Meurs - nhà tâm lý học lâm sàng và pháp y Australia - cũng cho rằng đàn ông có nhiều khả năng giết con để trả thù hoặc trừng phạt người tình hay hơn. Ông Deborah Kirkwood - nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Thủ đoạn bạo lực gia đình - giải thích rằng, những người cha giết con để trả thù vợ cảm thấy họ có quyền định đoạt cuộc sống của đứa trẻ vì nó là tài sản của anh ta và việc này sẽ khiến cho người vợ đau khổ tột cùng.