Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Frontiers in Pediatrics cho biết, trăng tròn không chỉ tạo ra thủy triều hay không gian ánh sáng lãng mạn mà còn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ em.

Năm 1969, lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, con người đã phát hiện đây chính là vệ tinh tự nhiên của Trái đất. Nhưng các tác phẩm văn hóa dân gian lại lưu truyền những câu chuyện khác.


Ngay từ thời cổ đại, hiện tượng trăng tròn được cho là có liên quan đến hành động kỳ lạ, mất trí, mộng du, tự tử, hoạt động bất hợp pháp, bạo lực… của con người. Trong suốt hàng ngàn năm, các bác sỹ và chuyên gia tâm linh tin rằng có một sự liên kết mạnh mẽ giữa cảm xúc của con người với Mặt trăng.


Trăng tròn có thể là tác nhân khiến giấc ngủ của trẻ ngắn lại. Ảnh: Pbs
Trăng tròn có thể là tác nhân khiến giấc ngủ của trẻ ngắn lại. Ảnh: Pbs


Các nhà nghiên cứu đã kiểm chứng nhiều trường hợp ở Trung tâm Khám - chữa bệnh vật nuôi thuộc bang Colorado (Mỹ) trong một khoảng thời gian dài và chỉ ra, hầu như động vật đều trở nên hung dữ và thay đổi bất thường vào những ngày xuất hiện trăng tròn.


Mối quan hệ mạnh mẽ, kỳ lạ giữa hiện tượng thiên văn học và hành vi con người đã khiến các nhà nghiên cứu quốc tế tập hợp lại và nghiên cứu tác động của Mặt trăng tới trẻ em.


Trong một nghiên cứu mới công bố, các nhà khoa học đã quan sát 5.800 trẻ em lứa tuổi từ 9-11 tại 12 quốc gia (trong đó có Mỹ, Anh, Canada, Brazil, Trung Quốc và Kenya) từ tháng 9/2011-12/2013. Các em bé này được đeo máy đo gia tốc trên eo 24/24h trong vòng ít nhất bảy ngày.


Thông qua thiết bị này, các nhà nghiên cứu theo dõi thói quen ngủ và mức độ hoạt động của trẻ em vào ban đêm trong các giai đoạn khác nhau của Mặt trăng - cụ thể là khi trăng tròn, khi trăng gần tròn và thời kỳ trăng bán nguyệt.


Kết quả cho thấy, khi trăng tròn, trẻ không hoạt động nhiều hơn so với các giai đoạn khác. Nhưng trăng tròn thực sự có thể ảnh hưởng đến thời gian ngủ của chúng - cụ thể là giấc ngủ của trẻ giảm 4,9 phút mỗi đêm.


Chất lượng giấc ngủ có thể bị nhiễu nếu các em đã tiếp xúc với chì khi chúng còn bé. Việc trẻ em thích sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng hay máy tính xách tay trước khi đi ngủ cũng có thể khiến chất lượng giấc ngủ giảm xuống.


“Chúng tôi nhận thấy tín hiệu buồn ngủ sẽ xuất hiện chậm khoảng 30 phút so với bình thường khi trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như iPad trước lúc đi ngủ” - Janne Gronli - Giáo sư tại Đại học Bergen (Na Uy) - cho biết.


Nhóm tác giả cho rằng những nghiên cứu sâu về vấn đề này là cần thiết để xác định “liệu cơ thể con người có chịu bất kỳ ảnh hưởng nào của chu kỳ Mặt trăng hay không” và trăng tròn có tác động đặc biệt đến một số nhóm người hay không.