Ngay cả khi bạn là người thương xuyên tập thể dục, không hút thuốc và không có yếu tố di truyền bẩm sinh liên quan đến bệnh tim, việc ngủ quá ít hoặc quá nhiều cũng có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ), Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) và Đại học Manchester (Anh) đã phân tích thông tin di truyền, thói quen ngủ tự báo cáo và hồ sơ y tế của 461.000 người tham gia dự án nghiên cứu UK Biobank ở Anh trong độ tuổi từ 40 đến 69 chưa bao giờ bị đau tim. Các nhà khoa học theo dõi họ trong 7 năm.
Kết quả cho thấy, so với những người ngủ đủ giấc từ 6 đến 9 giờ mỗi đêm, những người ngủ ít hơn 6 giờ có tỷ lệ bị đau tim cao hơn 20% trong suốt thời gian nghiên cứu. Trong khi đó, những người ngủ nhiều hơn 9 giờ có tỷ lệ đau tim cao hơn 34%. Khi nhóm nghiên cứu chỉ xem xét những người có khuynh hướng di truyền mắc bệnh tim, họ phát hiện việc ngủ từ 6 đến 9 giờ mỗi đêm làm giảm nguy cơ bị đau tim tới 18%.
Ngoài ra, những người có thời lượng ngủ càng ở xa mức từ 6 – 9 giờ, nguy cơ đau tim của họ càng tăng. Chẳng hạn, những người ngủ 5 giờ mỗi đêm có tỷ lệ bị đau tim cao hơn 52% so với những người ngủ từ 7 – 8 giờ, trong khi những người ngủ 10 giờ mỗi đêm có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp đôi. Kết quả chi tiết của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of the American College of Cardiology vào tháng 9/2019.
“Điều này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho thấy thời gian ngủ là một yếu tố vô cùng quan trọng khi nói đến sức khỏe của tim, và điều này đúng với tất cả mọi người”, Celine Vetter, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết. “Thời lượng ngủ hợp lý giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giống như việc bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc và tập thể dục thường xuyên.”
Sau khi xem xét 30 yếu tố khác của các tình nguyện viên bao gồm thành phần cơ thể (body composition), mức độ hoạt động thể chất, tình trạng kinh tế - xã hội và sức khỏe tinh thần, nhóm nhiên cứu kết luận thời gian ngủ ảnh hưởng đến nguy cơ đau tim độc lập với các yếu tố khác.
Bằng cách sử dụng phương pháp phân tích ngẫu nhiên Mendelian (Mendelian randomization), các nhà nghiên cứu sau đó xem xét hồ sơ di truyền của người tham gia để xác định xem những người có khuynh hướng di truyền với giấc ngủ ngắn có nhiều khả năng bị đau tim hay không. Tổng cộng có 27 biến thể di truyền có liên quan đến giấc ngủ ngắn. Nhóm nghiên cứu phát hiện thời lượng ngủ quá ít do ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền là một yếu tố nguy cơ gây đau tim.
Nghiên cứu mới không khám phá cơ chế mà giấc ngủ ngắn hay dài làm tăng nguy cơ đau tim, nhưng các nghiên cứu trước đây đã đưa ra một vài lời giải thích. Ngủ quá ít có thể làm biến đổi lớp lót của động mạch, dẫn đến sự phát triển các tế bào dễ bị viêm ở tủy xương, cũng như dẫn đến việc ăn uống không hợp lý và không đúng giờ, qua đó ảnh hưởng đến cân nặng và sức khỏe của tim. Việc ngủ quá nhiều cũng có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, một trong những yếu tố liên quan đến bệnh tim mạch.
Quốc Hùng (Theo Science Daily)