Các bếp lò hở truyền thống là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm đã gây ra cái chết cho hàng triệu người ở các quốc gia đang phát triển. Hiện nay, nhiều loại bếp an toàn hơn đã xuất hiện và được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO hỗ trợ để biến mục tiêu bếp sạch thành hiện thực.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 3,8 triệu người tử vong mỗi năm do các loại bệnh gây ra bởi ô nhiễm không khí hộ gia đình, chủ yếu do việc sử dụng nhiên liệu rắn và dầu hỏa trong nấu ăn. Trên toàn thế giới, có khoảng 3 tỷ người sử dụng bếp lửa hở hoặc các loại bếp đơn giản để nấu ăn, đun nước và sưởi ấm, từ đó tạo ra một lượng lớn ô nhiễm không khí hộ gia đình.

Những phương pháp nấu ăn không hiệu quả này được phát hiện là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ví dụ như bệnh viêm phổi, bệnh tim và đột quỵ. Đáng buồn là, nếu không có sự thay đổi lớn về mặt chính sách thì sẽ không có chuyển biến nào về số người được tiếp cận với các nguồn nhiên liệu và công nghệ nấu ăn sạch sẽ.

Các bếp lò hở truyền thống ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người ở các quốc gia đang phát triển
Ảnh: doanhnhanplus.vn

Nhằm cải thiện vấn đề này, Ủy ban kỹ thuật ISO/TC 285 đã đẩy mạnh các giải pháp nấu ăn sạch và hiệu quả ở các quốc gia đang phát triển.

Theo Richard Ebong, tân chủ tịch của ISO/TC 285, để bảo đảm sức khỏe, người dân cần được tiếp cận các loại bếp đáng tin cậy, ứng dụng các công nghệ mới nhất và đã được đánh giá phù hợp với các tiêu chuẩn cơ bản.

Chuyên gia năng lượng gia đình Elisa Derby cho biết, loạt tiêu chuẩn ISO về bếp lò bao gồm các định thức kiểm tra và báo cáo để đo lường hiệu suất cũng như tác động của các công nghệ và nhiên liệu nấu ăn. Loạt tiêu chuẩn này cũng cung cấp dữ liệu về các kiểu bếp cụ thể cùng các thực hành nấu ăn cho các công nghệ và nhiên liệu sạch, hiệu quả, giá cả phải chăng và khả thi. Thêm vào đó, nó đặt ra các mục tiêu hiệu suất tự nguyện, giúp cho các bên liên quan đánh giá hiệu quả của các hệ thống nấu ăn khác nhau trong tương quan với các tiêu chuẩn ô nhiễm không khí dựa trên sức khỏe do WHO thiết lập.

Cho đến nay, ISO/TC 285 đã công bố bốn tiêu chuẩn, bao gồm: hiệu suất, độ an toàn và độ bền (ISO 19867-1), mục tiêu hiệu suất tự nguyện cho bếp lò (ISO/TR 19867-3), các phương pháp thử nghiệm tại hiện trường (ISO 19869), và bộ từ vựng các thuật ngữ cơ bản cho lĩnh vực này (ISO/TR 21276).

Dựa trên hướng dẫn của ISO, các nhà sản xuất và phân phối bếp sẽ tự lựa chọn công nghệ tốt nhất để cung cấp bếp ra thị trường theo mục tiêu hiệu suất ở địa phương cũng như các nhu cầu của người tiêu dùng về mặt giá cả và chất lượng.

Hơn cả sức khỏe

Một báo cáo kỹ thuật cũng đang được xây dựng nhằm thiết lập các nguyên tắc đánh giá ảnh hưởng xã hội của việc sử dụng bếp. Trong tương lai, tiêu chuẩn ISO/TR 19915 - giải pháp bếp sạch và nấu ăn sạch - sẽ cung cấp hướng dẫn về cách đánh giá hiệu quả xã hội cho hệ thống năng lượng nấu ăn cải tiến.

Derby - đồng thời là người phụ trách nhóm phát triển ISO/TR 19915 (cùng với Dana Charron của nhóm giám sát không khí Berkeley) - nhận định, việc thay đổi phương pháp nấu nướng có thể tác động đến các thành viên trong gia đình về mặt kinh tế, xã hội và sức khỏe... theo các cách khác nhau.

“Có thể bếp sẽ dùng ít nhiên liệu hơn nhưng lại cần đến sự chăm sóc và bảo quản tỉ mỉ hơn”, Derby dẫn ra ví dụ. “Người làm bếp có thể sẽ phải mất thêm nhiều thời gian để chẻ nhỏ nhiên liệu, hoặc không thể làm được nhiều việc cùng một lúc sau khi đã bật bếp, bởi loại bếp này cần được theo dõi liên tục. Nếu tình huống này xảy ra, dù thời gian nấu ăn được rút ngắn nhưng thời gian chuẩn bị nguyên liệu và thực phẩm trước khi nấu lại bị kéo dài. Do đó, điều quan trọng là phải xem xét và đo lường được các hậu quả không mong muốn phát sinh từ sự thay đổi phương pháp nấu nướng ở mức độ gia đình và xã hội đối với mỗi gia đình và cá nhân.”

Một trong những thách thức khi sử dụng bếp lò là bằng mắt thường, bạn không thể biết nó sẽ sử dụng nhiên liệu và thải khí ra sao. Thay vào đó, bạn sẽ phải thử nghiệm nó.

Derby giải thích: “Trước đây, ở mỗi quốc gia, các chuyên gia sẽ sử dụng các phương pháp đánh giá và số liệu báo cáo khác nhau để mô tả hiệu suất của bếp. Sự khác biệt này có thể khiến cho người tiêu dùng, các nhà tài trợ, nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách gặp nhiều bối rối. Đối với những người không am hiểu kỹ thuật, sẽ rất khó để họ hiểu kết quả thử nghiệm khi có rất nhiều phương pháp và chỉ số khác nhau.”

Theo Clean Cooking Alliance (Liên minh Nấu ăn sạch), các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất về bếp lò hiện có đang được phát triển thông qua ISO với sự đóng góp của từ các chuyên gia kỹ thuật cho đến các nhà hoạch định chính sách.

ISO còn xây dựng các hướng dẫn thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và tại hiện trường để mô tả chính xác lượng khí thải đo được cũng như các kết quả đầu ra khi sử dụng các công nghệ tiên tiến.

Hướng dẫn của ISO có thể là một gợi ý giúp cho các quốc gia xây dựng được các chính sách phù hợp. Chẳng hạn, một chính phủ có thể đưa ra yêu cầu, để đủ điều kiện tham gia vào chương trình bếp quốc gia, những chiếc bếp phải đáp ứng một mức độ hoạt động nhất định, ví dụ như bậc 3 đối với hiệu suất và bậc 2 đối với phát thải hạt, như khi được đo trong phòng thí nghiệm đã được chứng nhận. Các tiêu chuẩn ISO cho bếp lò sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng một thị trường toàn cầu và tạo ra sức ảnh hưởng.

Nấu ăn sạch - một phần trong kế hoạch ứng phó với đại dịch

Nghiên cứu trên toàn nước Mỹ do Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan thực hiện mới đây (chưa được bình duyệt) đã phát hiện, những người tiếp xúc với ô nhiễm không khí có nguy cơ chết vì virus Corona nhiều hơn những người sống ở những khu vực có không khí trong lành.

“Nghiên cứu này là một cảnh báo đối với các quốc gia đang phát triển, nơi mà mức độ ô nhiễm không khí thường vượt xa mức khuyến nghị của WHO”, Samira Bawumia, phu nhân Phó tổng thống Ghana và là thành viên của Clean Cooking Alliance, nói. “Đáng lo ngại hơn nữa, chất lượng không khí bên trong căn nhà của mỗi người có thể còn tệ hơn cả không khí mà họ hít thở bên ngoài, nguyên nhân phần lớn là do cách mà mỗi người chúng ta nấu ăn”.

Thậm chí cả các hộ gia đình đang sử dụng các nhiên liệu nấu ăn sạch hơn, ví dụ như điện, khí hóa lỏng và ethanol, thì sự suy thoái kinh tế hiện nay do COVID-19 cũng có thể đồng nghĩa với việc họ quay lại sử dụng các nhiên liệu gây ô nhiễm như củi. Bởi vậy, các chính phủ cần đưa vấn đề nấu ăn sạch trở thành một phần trong kế hoạch ứng phó với đại dịch. Và việc kết hợp các hướng dẫn của ISO với các loại bếp lò sạch có thể giúp ích đáng kể cho mục tiêu sức khỏe lâu dài của họ.

Nguồn: