Nhà khoa học thần kinh Grégoire Courtine bằng những công nghệ mới mang tính đột phá đã giúp những người bị bán thân bất toại có thể vận động được. Với thành tựu này, Grégoire Courtine đã được trao giải thưởng Rolex.
Tờ New York Times từng mô tả diễn viên Christopher Reeve là “siêu nhân của siêu nhân” với thân hình to cao, mạnh mẽ, điển trai, mẫu người lý tưởng cho các vai diễn của mình. Anh nổi tiếng thế giới qua bộ phim “Siêu nhân”. Năm 1995, Christopher Reeve tham gia đua ngựa ở Culpeper, Virginia. Anh bị ngã, gặp chấn thương nặng và bị liệt từ cổ trở xuống.
Kể từ đó, Reeve bắt đầu cuộc chiến chống lại sự bại liệt. Trong quá trình điều trị, anh đã kiên trì luyện tập, đồng thời thành lập một Quỹ hỗ trợ công tác nghiên cứu. Reeve nói “Bạn phải hành động và tự đứng lên, cho dù bạn đang phải ngồi xe lăn”.
Một khoảnh khắc quan trọng với nhà nghiên cứu
Người đàn ông từng là siêu nhân qua đời năm 2004. Vài tháng trước khi chết, anh đã trò chuyện với một số nhà khoa học tham gia hoạt động trong Quỹ của anh, trong đó có nhà khoa học trẻ người Pháp. Grégoire Courtine nhớ lại: “Tôi sẽ không bao giờ quên những điều anh ấy đã nói với chúng tôi: “Khi mỗi buổi sáng các bạn bước vào phòng thí nghiệm, tôi rất muốn các bạn hãy ghé vào Trung tâm phục hồi chức năng (Reha-Center). Các bạn hãy đến thăm người bệnh. Họ hết sức cố gắng để tự mình đứng dậy, nhích đi từng bước. Và khi các bạn ra khỏi Reha Center, các bạn hãy nghĩ ngày mai các bạn có thể thay đổi được điều gì trong nghiên cứu để giúp đỡ những con người này trong cuộc sống thực tế của họ”.
Đối với Courtine, 44 tuổi, thì đây là khoảng khắc có ý nghĩa quyết định. Khi là sinh viên, anh theo học toán và vật lý sau đó quyết định chọn y học thực nghiệm. Hiện nay, anh là giáo sư tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lausanne (EPFL) Thụy Sĩ. Anh giúp những bệnh nhân bị bán thân bất toại, những trường hợp bị coi là vô vọng, luyện đứng và đi bằng công nghệ hiện đại. Courtine đã phát triển một “cây cầu điện tử”, giúp những người bị liệt nửa người truyền tín hiệu từ não tới dây thần kinh vận động ở bên dưới tủy sống. Kết quả điều trị rất đáng chú ý. Vì thành công này, anh đã được trao giải thưởng Rolex dành cho những người dám nghĩ, dám làm.
Giải thưởng cho những người đặc biệt xuất sắc
Giải thưởng Rolex dành cho tinh thần dám nghĩ, dám làm được trao hai năm một lần. Giải này là một bộ phận của cuộc vận động “Perpetual Planet”. Từ hơn bốn thập niên, xưởng chế tạo đồng hồ cao cấp của Thụy Sĩ thường xuyên ủng hộ các dự án mới có tầm nhìn xa, phục vụ hạnh phúc nhân loại/hay hành tinh của chúng ta.
Giải thưởng này ra đời năm 1976 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra đời chiếc đồng hồ Rolex Oyster, loại đồng hồ đeo tay đầu tiên không ngấm nước. Giải thưởng Rolex Oyster chỉ dành cho những người có những phẩm chất đặc trưng của chiếc đồng hồ Rolex ra đời năm 1905 bởi ông Hans Wilsdorf, đó là: chất lượng, sự tìm tòi sáng tạo, sự quyết tâm và điều đặc biệt là tinh thần dám nghĩ dám làm.
Bước đột phá đến với cách tiếp cận mới
Kể từ khi ra đời đã có 150 người được trao giải thưởng này. Những người được trao giải thưởng nhận được sự hỗ trợ tiếp tục thực hiện dự án của mình và có điều kiện tiếp cận với mạng lưới Rolex.
Nhà khoa học Courtine là vận động viên leo núi và là nhà thể thao mạo hiểm. “Vận động luôn là một điều hết sức quan trọng với tôi”. Hồi trẻ, khi ở Zürich tôi có nhiều năm làm việc với một bệnh nhân bại liệt, anh ta có nhiều nét giống tôi: “Tôi có thể đặt mình vào vị trí của cậu ấy. Cậu ta cũng trạc tuổi tôi và cũng rất ham mê thể thao. Thật đau xót khi phải chứng kiến cậu ấy mất một khả năng, mà khả năng đó cũng vô cùng quan trọng đối với tôi”.
Không giống các đồng nghiệp khác Courtine quan tâm đặc biệt những bệnh nhân bị bại liệt nhưng phần dưới xương sống thắt lưng không bị tổn thương. Khu vực này được coi như một trung tâm điều khiển thứ hai, điều khiển hoạt động của đôi chân, phần nào độc lập với sự kết nối giữa tủy xương sống với não.
Dòng dữ liệu đến não bị gián đoạn
Đường truyền dữ liệu quan trọng này khi bị tai nạn, viêm nhiễm hay có khối u có thể bị bị đứt đoạn hoàn toàn hay từng phần. Khi phần trên hay phần giữa đốt sống cổ bị tổn thương thì người bệnh bị liệt từ cổ trở xuống. Do chân và tay không cử động được người ta nói về Tetraplegie (tiếng Hy lạp cổ là liệt tứ chi).
Nếu tổn thương dưới đốt sống cổ thứ 7 thì hai chân không cử động được - Paraplegie. Bệnh nhân của giáo sư Courtine là những người bị liệt nửa người, họ không điều khiển được đôi chân của mình - ít nhất trước mắt là như vậy.
Nguyên nhân là do kênh thông tin thần kinh trong cột sống không hoạt động. Các thông điệp cảm giác từ cơ thể không lên được đến não. Do đó đôi chân bị tê bì. Ngược lại lệnh từ não cũng không xuống tới cơ bắp, do đó chân không hoạt động được, không thể đứng và đi.
Người bệnh có thể duy trì một số kỹ năng nếu như sau khi bị chấn thương nhanh chóng phản ứng kịp thời. Trong khuôn khổ điều trị, bệnh nhân có một chương trình phục hồi chức năng rất phong phú và cần thực hiện sớm sau khi người bệnh đã ít nhiều bình phục. Qua thuốc, phẫu thuật, luyện tập và vật lý trị liệu có thể phục hồi những khả năng đã bị mai một.
Kinh nghiệm cho thấy, cái gì sau sáu tháng không hồi phục thì vô phương cứu chữa. Sau đó những người liên quan phải đối mặt với hiện trạng của họ, phải đi nạng hoặc ngồi xe lăn cả đời.
Cho đến nay tình hình này hầu như không thay đổi. Đành rằng cho đến nay có nhiều dự án nghiên cứu tập trung vào việc làm sống lại liên lạc thần kinh mới đã thu được một vài kết quả nhỏ nhoi, thí dụ sử dụng tế bào gốc. Nhưng nói chung chưa có tiến bộ rõ rệt theo hướng này.
Grégoire Courtine đã phát triển một hướng đi mới. Anh tập trung vào một vùng ở tủy sống lưng dài khoảng 5 cm nhưng điều phối khoảng 60% hoạt động cơ bắp ở đôi chân và hầu như hoàn toàn tự động - tức không liên quan đến đường dây chạy dọc cột sống lưng, nơi bị đứt đoạn vì liệt nửa người.
Đánh thức khả năng vận động khi ngủ say
“Ở nhiều người bị nạn thì khu vực này hoàn toàn bình thường. Vì nó tách hoàn toàn khỏi chuỗi ra mệnh lệnh, nên nó ở trong trạng thái ngủ say sau chấn thương”, Grégoire Courtine nói. “Chúng ta phải đánh thức nó dậy”.
Để làm điều này phải cấy điện cực vào bệnh nhân bị liệt sát với tủy cột sống. Thông qua kết nối không dây, Courtine có thể từ đây tạo xung từ máy tính trong phòng thí nghiệm. Những xung này kích hoạt có chủ đích một số nhóm cơ riêng lẻ. Sau một thời gian luyện tập, những người bị liệt tham gia thí nghiệm đã có thể đứng nhờ một giá đỡ và nhích đi tí một trên thiết bị chạy bộ.
Courtine nói “Thật là một khoảnh khắc vô cùng đặc biệt khi nghe người từng nói tôi sẽ không bao giờ sử dụng được đôi chân của mình nữa, nay thấy chính người này sau mười năm có thể đứng trên đôi chân của bản thân mình”. Đó là trường hợp của bệnh nhân David Mzee của giáo sư Courtine. Người đàn ông cường tráng này bị chấn thương do một tai nạn thể thao và bị liệt nửa người năm 2010. Là thành viên thuộc nhóm nghiên cứu của giáo sư Courtine - với thiết bị hỗ trợ đi bộ - anh có thể dịch chuyển bằng đôi chân của mình. Kể cả đi ở ngoài phòng thí nghiệm.
Người bệnh có thể đi lại sau nhiều năm
Bệnh nhân tham gia thí nghiệm, nếu còn một chút cảm giác ở chân và nếu luyện tập kiên trì, chăm chỉ thì có thể đạt được nhiều tiến bộ to lớn. Bởi ở những người này có một số đường dây thần kinh còn hoạt động nên một số lệnh từ não xuống sẽ tới được trung tâm vận động. Nhưng do lệnh quá nhỏ nên không đủ để đánh thức cỗ máy khỏi cơn ngủ say.
Với biện pháp cấy tế bào thần kinh của giáo sư Grégoire Courtine, tủy sống qua đó được đánh thức và đi vào tư thế sẵn sàng hoạt động. Nói nôm na, nó vểnh tai lên để nghe. Do được kích thích nên những lệnh cho dù rất khẽ vẫn được nghe thấy. Do đó người bệnh có thể chủ động điều khiển các cử động của mình cho dù người đó là bệnh nhân liệt nửa người.
“Hiện tại có một số người bệnh trước đây bị liệt với sự trợ giúp của thiết bị đỡ có thể đi bộ ở ngoài phòng thí nghiệm. Thậm chí có một vài người đi mà không cần kích hoạt”, giáo sư Courtine kể. Điều đó cho thấy sự kết nối đường dây thần kinh bị hư hại có thể được hồi phục phần nào thông qua kích hoạt và luyện tập chăm chỉ. Đây là một thành công có tính đột phá, tất nhiên đặc biệt với những người có liên đới. Courtine: “Họ đã phần nào dành lại được sự tự do của mình”.
Với những bệnh nhân mà đường dây thần kinh trong tủy cột sống gần như bị đứt gãy hoàn toàn thì tình hình hoàn toàn khác. Cả họ cũng có thể đứng lên và bước đi trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên họ hầu như không còn kiểm soát được đôi chân của mình - mọi vận động của đôi chân đều do điều khiển từ xa. Grégoire Courtine hiện đang nghiên cứu một giải pháp để cả những trường hợp bị nặng cũng vẫn được giúp đỡ.
Anh đang phát triển một hệ thống có khả năng nhận biết người bệnh cử động như thế nào - hệ thống này phân tích hoạt động trong não người bệnh. Các mẫu nhất định tương ứng với những cử động nhất định. Nhưng do sự kết nối với đôi chân không còn hoạt động nên phải làm cầu vượt qua chỗ bị tổn thương ở tủy cột sống.
Hệ thống mới này biết bệnh nhân muốn gì
Cái hệ thống mà Courtine cùng đội ngũ của mình đang phát triển sẽ làm được điều đó. Nó nhận lệnh về sự ước muốn cử động và truyền lệnh này đến miếng cấy ghép ở tủy cột sống. Mảnh ghép này kích hoạt tủy cột sống với những mẫu cử động nhất định, từ đó dẫn đến những cử động tương ứng. Cái cầu điện tử này giúp đưa lệnh từ não đi đường vòng đến mục tiêu cần đến. Qua đó người bệnh có thể kiểm soát sự kích hoạt cũng như các cử động của mình.
Những kết quả đầu tiên đầy hứa hẹn. Cho dù có những trải nghiệm tích cực, Grégoire Courtine luôn là người rất thực tế. Anh luôn chỉ rõ: phương pháp của mình không thể điều trị cho những người bị liệt nửa người khỏi bệnh. Cách tiếp cận của anh chỉ là làm cho cuộc sống của người bệnh dễ chịu hơn. Dù có những tiến bộ vượt trội những người bệnh của anh cũng sẽ không lấy lại được sự tự do cử động hoàn toàn. Tuy nhiên, anh đã thành công trong việc mở rộng đáng kể những gì có thể. Anh cũng sẽ không dừng lại ở đây, mục tiêu tiếp theo là: “Có một liệu pháp cho mọi người bệnh trên thế giới”, Courtine nói. Điều này với anh không chỉ là một mục tiêu mà còn là một thông điệp dành cho những bệnh nhân liệt nửa người “hãy hy vọng vào một tương lai tốt đẹp của mình”.