Một nghiên cứu mới cho thấy, những người nghiện thuốc lá có nguy cơ bị đột quỵ do chảy máu não cao hơn gấp ba lần so với những người không hút thuốc lá.

Ảnh: Pixabay.
Ảnh: Pixabay.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Stroke vào ngày 17/9, các nhà khoa học tại Đại học Helsinki tiến hành phân tích dữ liệu của hơn 16.000 cặp sinh đôi đồng giới ở Phần Lan. Họ đều sinh ra trước năm 1958 và được theo dõi trong suốt 42 năm [từ năm 1976 đến năm 2018]. Sở dĩ nhóm nghiên cứu tập trung vào các cặp sinh đôi bởi vì họ có bộ gene tương đồng với nhau. Đây là yếu tố mang lại nhiều giá trị cho các nghiên cứu được thiết kế để đánh giá vai trò của gene di truyền so với các yếu tố môi trường trong sự phát triển của bệnh.

Dữ liệu thu thập từ các cuộc khảo sát bao gồm thói quen hút thuốc, uống rượu, chỉ số huyết áp, chỉ số khối cơ thể, trình độ giáo dục. Những người tham gia được chia thành hai nhóm: nhóm đang hút thuốc và nhóm không hút thuốc [chưa bao giờ hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc]. Những người đang hút thuốc được phân loại theo số điếu thuốc hút mỗi ngày: nhẹ (dưới 10 điếu), trung bình (từ 10 đến 19 điếu), nặng (trên 20 điếu).

Trong số các cặp song sinh, các nhà nghiên cứu phát hiện 120 trường hợp tử vong do tình trạng xuất huyết dưới lớp màng bao bọc não. Mối liên hệ mạnh nhất dẫn đến chảy máu não gây tử vong được tìm thấy ở những người hút thuốc, thay vì ảnh hưởng của yếu tố di truyền [sau khi so sánh lối sống của họ với người anh em sinh đôi]. Độ tuổi trung bình khi chết của họ là 61 tuổi.

Nhóm nghiên cứu kết luận, so với những người không hút thuốc, nguy cơ chảy máu não gây tử vong cao hơn gấp 3 lần ở những người hút thuốc nặng và trung bình, và cao hơn gấp 2,8 lần ở những người hút thuốc nhẹ.

“Nghiên cứu dài hạn của chúng tôi ở các cặp song sinh cung cấp thêm bằng chứng về mối liên hệ giữa hút thuốc và chảy máu trong não”, Ilari Rautalin, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Không giống như các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này cho thấy tình trạng huyết áp cao, mức độ hoạt động thể chất thấp hơn, và giới tính nữ không phải là yếu tố đáng kể gây ra chảy máu não.

Điểm hạn chế của nghiên cứu là các nhà khoa học gộp chung những người chưa bao giờ hút thuốc và những người đã bỏ thuốc vào chung một nhóm. Họ cũng không thể xác nhận nguồn gốc của chảy máu não có phải do chứng phình động mạch hay không. Vì vậy, họ không thể đánh giá tác động của việc hút thuốc trong quá khứ đối với nguy cơ chảy máu não.

“Thói quen không hút thuốc hoặc bỏ thuốc nếu bạn đã bắt đầu sử dụng nó là biện pháp phòng ngừa quan trọng để hạn chế nguy cơ bị đột quỵ do chảy máu não”, Rose Marie Robertson , phó giám đốc khoa học và y tế của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), khuyến cáo.

Bởi vì các biện pháp điều trị đột quỵ hiện nay đã tốt hơn trước nên ít khi bệnh nhân sẽ chết ngay lập tức. Nhiều người trong số họ có thể vẫn phải hứng chịu những hậu quả lâu dài và khuyết tật thể chất về sau, Allan Hackshaw, nhà khoa học tại trường University College London (UCL), nhận định.