Mới đây, một nghiên cứu tại Trung Quốc đã chỉ ra rằng những bữa tiệc BBQ tổ chức trong mùa hè có thể làm gia tăng nguy cơ phơi nhiễm da với các chất gây ung thư theo cách rất khó lường.
Nghiên cứu trên đã được công bố tại Tạp chí Khoa học và Công nghệ môi trường vào hôm 23/05.
Theo đó, những người thường xuyên ngồi quanh bàn nướng BBQ có nguy cơ phải tiếp xúc nhiều với một chất gọi là hydrocacbon đa vòng thơm (PAHs). Viện Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Gia cho biết: PAHs thường sinh ra do đốt các chất hữu cơ có trong than đá, xăng dầu hoặc gỗ, ngoài ra nó cũng được hình thành khi nấu thịt ở “nhiệt độ cao” như rán trên chảo hay nướng. Các chuyên gia cảnh báo: sự tiếp xúc với những chất này sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư nhất định. Trước đó, đã từng có những nghiên cứu tập trung vào sự phơi nhiễm của cơ thể đối với PAHs thông qua đường thực phẩm hoặc không khí, hơn là do trực tiếp tiếp xúc với da. Nhưng trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã phát hiện thấy: trong quá trình chúng ta nướng thịt, cơ thể có thể sẽ hấp thụ một lượng PAHs lớn qua da, thậm chí còn nhiều hơn so với đường không khí. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, rằng sự tiếp xúc có hại nhất vẫn là qua việc trực tiếp ăn thịt nướng.
“Chúng ta vốn đã biết rằng hít phải khói từ việc nướng thịt sẽ đem đến nguy cơ trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ung thư, trong đó có PAHs”, theo TS. Kenneth Spaeth – giám đốc y tế phụ trách các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp và môi trường tại Northwell, Great Neck (New York), người không trực tiếp tham gia vào nghiên cứu trên. Song ông cũng lưu ý, thịt nướng không hẳn là nguy cơ lớn đối với hầu hết tất cả mọi người.
TS Speath bổ sung thêm: nhìn chung không hề có sự đảm bảo về định mức an toàn nào khi tiếp xúc với các chất gây ung thư, song có lẽ càng ít thì càng có lợi cho sức khỏe hơn. Dẫu vậy, chúng ta cũng không cần phải lo lắng thái quá về việc hấp thụ các chất gây ung thư nếu chẳng may có tham gia vào một bữa tiệc BBQ, vì điều này không thực sự diễn ra quá thường xuyên. Tuy nhiên, ông cũng khuyên rằng: sự tiết chế luôn là điều “khôn ngoan”, và nên để ý một chút đến thời gian, tần suất và lượng khói mà chúng ta sẽ tiếp xúc trong các bữa BBQ, cũng như lượng thịt được chế biến ở nhiệt độ cao sẽ tiêu thụ.
Nguy hiểm từ BBQ
Các nhà khoa học trong nghiên cứu trên đã tiến hành khảo sát dữ liệu của 20 người đàn ông cùng tham gia một bữa tiệc BBQ trong khoảng hai tiếng rưỡi ở Quảng Châu (Trung Quốc). Những người này được chia làm ba nhóm: nhóm 1 ăn thịt mà không phải lưu ý đến việc tránh xa khói nướng cũng như để khói tiếp xúc với da; nhóm 2 không ăn thịt nhưng có tiếp xúc với khói; còn nhóm 3 vừa không ăn thịt lại vừa đeo thêm một loại mặt nạ đặc biết để phòng việc hít phải khói trong không khí nhưng vẫn tiếp xúc với khói qua da.
Sau khi thu thập và xét nghiệm mẫu nước tiếu của các tình nguyện viên trước, trong và sau bữa BBQ tiệc để tìm kiếm sự xuất hiện của PAHs; đồng thời ước tính hàm lượng PAHs mà từng người đã hấp thu qua thức ăn, không khí và da; kết quả cho thấy: đúng như dự đoán, việc trực tiếp ăn thịt mang đến tỷ lệ phơi nhiễm PAHs cao nhất, trong khi hấp thụ qua da là con đường gây nguy hiểm thứ nhì, và sau cùng là hít phải khói trong không khí.
Ngoài ra, nghiên cứu trên cũng chỉ ra việc mặc quần áo có thể giúp làm giảm bớt sự hấp thụ PAHs qua da trong thời gian ngắn. Nhưng một khi quần áo đã bị ám đầy khói thì da thậm chí có thể còn hấp thụ hẳn một lương PAHs lớn hơn. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo nên giặt quần áo ngay sau khi rời khỏi khu vực nướng đồ để giảm thiểu khả năng phơi nhiễm.
TS Speath cho biết đồng ý với quan điểm rằng mặc đồ như áo dài tay và quần dài cũng là một cách để làm giảm sự tiếp xúc với PAHs trong các bữa tiệc BBQ. Bên cạnh đó, nhiên liệu dùng trong các bữa tiệc cũng ảnh hướng tới lượng PAHs được sản sinh ra, chẳng hạn propane thì thường giải phóng ít PAHs hơn hẳn so với than củi. Và sau cùng, việc tổ chức BBQ ở những nơi thoáng khí như ngoài trời cũng góp phần làm giảm nguy cơ phơi nhiễm hơn so với lều trại kín gió.