Mới đây, đã có ít nhất ba người tử vong tại Ấn Độ do một loại virus hiếm gặp có tên là Nipah.
Nguồn tin từ BBC cho biết: các trường hợp nhiễm bệnh xảy ra tại Kerala – một bang ở miền nam Ấn Độ. Trong khi ba người đã chết, 6 người nữa được cho là đã qua đời bởi cùng nguyên nhân, ngoài ra còn thêm 25 người nữa phải nhập viện vì những triệu chứng giống như nhiễm bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Liên bang Hoa Kỳ (CDC) đã ghi nhận virus Nipah là một loại mềm bệnh mới – được phát hiện lần đầu vào năm 1999 trong một đợt bùng phát dịch tại những trang trại nuôi lợn ở Malaysia và Singapore.
Theo WHO, loại virus này thường được biết đến với khả năng lan truyền trong tự nhiên bởi loài dơi ăn quả (thuộc chi Pterospus), tuy nhiên nó cũng có thể lây nhiễm trên cơ thể lợn và các gia súc, vật nuôi, hay cả trên người (từ người sang người).
Theo CDC, hậu quả nghiêm trọng của virus Nipah là gây ra chứng viêm não (hay còn gọi là encephalitis). Những biểu hiển nhiễm bệnh bao gồm sốt, đau đầu, đi kèm với chóng mặt hay mất khả năng xác định phương hướng. Thậm chí, những người dính virus còn có thể rơi vào trạng thái hôn mê trong vòng 48 tiếng kể từ khi xuất hiện các triệu chứng kể trên. Hơn nữa, WHO cảnh báo tỷ lệ tử vong ở người nhiễm Niphad là rất cao, trung bình 75%.
Cũng theo CDC, các trường hợp nhiễm virus Nipah trên người ở Ấn Độ và Bangladesh được cho là có mối liên hệ mật thiết với hành vi ăn sống nhựa cây chà là – vốn bị nhiễm độc virus từ loài dơi ăn hoa quả, hoặc do tiếp xúc với loài dơi này.
Hiện tại, không có thuốc chữa cho những trường hợp nhiễm Nipah, và cũng chưa có vaccine để phòng bệnh. “Chúng tôi đang cố gắng tập trung vào nhiệm vụ phòng chống lây nhiễm, trong khi các biện pháp chữa trị đều rất hạn chế, và thường chỉ ở mức độ hỗ trợ”, Rajeev Sadanandan – Bộ trưởng y tế của bang Kerala – trả lời BBC hôm 21/05.
Thế Hải (Theo Live Science)