Ánh sáng màu xanh phát ra từ màn hình điện thoại thông minh và máy tính bảng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
Nhóm nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona (ISGlobal), Tây Ban Nha, phát hiện mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với ánh sáng xanh lam vào ban đêm với nguy cơ phát triển ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.
Ánh sáng xanh lam nằm trong phổ ánh sáng khả kiến, được phát ra bởi hầu hết đèn LED màu trắng, màn hình điện thoại thông minh và máy tính bảng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives vào tháng 4/2018.
"Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại công việc ca đêm là một yếu tố có thể gây ung thư cho con người. Có bằng chứng chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm và sự gián đoạn nhịp sinh học, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt. Với nghiên cứu này, chúng tôi đã tìm cách xác định liệu việc tiếp xúc với ánh sáng ở các thành phố vào ban đêm có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của hai loại ung thư nói trên hay không", Manolis Kogevinas, thành viên của nhóm nghiên cứu tại ISGlobal, cho biết.
Theo đồng tác giả nghiên cứu Martin Aubé, cường độ và bước sóng của ánh sáng nhân tạo, đặc biệt trong quang phổ màu xanh lam, có thể khiến não hạn chế sản xuất và bài tiết melatonin, hormone quan trọng giúp cơ thể điều hòa giấc ngủ và nhịp sinh học.
Nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu sức khỏe và dịch tễ học của hơn 4.000 người tại 11 khu vực khác nhau ở Tây Ban Nha. Độ tuổi của họ từ 20 đến 85. Thông tin tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo trong nhà được xác định thông qua bảng câu hỏi cá nhân. Trong khi đó, mức độ ánh sáng nhân tạo ngoài trời được đánh giá cho thành phố Madrid và Barcelona dựa vào hình ảnh ban đêm chụp bởi các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Kết quả thu được ở cả hai thành phố cho thấy, những người tiếp xúc với mức độ cao hơn của ánh sáng màu xanh lam có nguy cơ phát triển ung thư vú cao gấp 1,5 lần và ung thư tuyến tiền liệt cao gấp 2 lần so với người ít tiếp xúc.
"Với sự phổ biến của ánh sáng nhân tạo vào ban đêm, việc xác định xem liệu nó có làm tăng nguy cơ mắc ung thư hay không là một vấn đề quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng", Ariadna García, nhà nghiên cứu tại ISGlobal, cho biết.
Hầu hết điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay đều có màn hình phát ra ánh sáng xanh, giúp hình ảnh rõ và sáng hơn, đặc biệt khi dùng ở ngoài trời nắng. Để đối phó vấn đề này, một số nhà thiết kế điện thoại di động tạo ra các ứng dụng có thể điều chỉnh ánh sáng vào ban đêm, nhằm giảm thiểu ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại, tăng lượng ánh sáng màu cam giúp người dùng đỡ mỏi mắt hơn.
Để có giấc ngủ sâu vào ban đêm, chúng ta nên hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại thông minh trước khi đi ngủ để não sản xuất melatonin một cách bình thường. Cách dễ dàng nhất là chúng ta nên để điện thoại xa giường ngủ.