Một nghiên cứu của Trung tâm chữa bệnh Alzheimer Indiana, Đại học Y Indiana (Mỹ) chỉ ra rằng nhóm thuốc thường dùng để chữa cảm cúm, dị ứng, trầm cảm, huyết áp cao và tim liên quan mật thiết với tình trạng suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.

Một phụ nữ Mỹ mắc bệnh Alzheimer và lọ thuốc cảm cúm thường dùng. Ảnh: PBS
Một phụ nữ Mỹ mắc bệnh Alzheimer và lọ thuốc cảm cúm thường dùng. Ảnh: PBS


Nhóm này được xếp vào dạng thuốc kháng cholin, ảnh hưởng đến hoạt động của chất acetylcholine trong não, giúp giảm các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa, hô hấp và đường tiết niệu.


Các nhà nghiên cứu scan não và phân tích kết quả kiểm tra nhận thức của 451 người ở độ tuổi bình quân là 73 - trong đó 60 người đang dùng thuốc nhóm kháng cholin trong ít nhất 1 tháng trước đó, không ai mắc bệnh về nhận thức như Alzheimer hay mất trí.


Kết quả, những người dùng thuốc kháng cholin có lượng đường qua não ít hơn, chứng tỏ hoạt động của não - đặc biệt là vùng liên quan tới trí nhớ và sớm bị ảnh hưởng bởi bệnh Azlzheimer nhất - đã thay đổi. Não của họ cũng có xu hướng nhỏ hơn và dày lên ở một số vùng điều khiển chức năng nhận thức.


Đây cũng chính là những người có kết quả kiểm tra về trí nhớ ngắn hạn cũng như khả năng điều hành (lập kế hoạch, giải quyết vấn đề…) kém hơn so với người không dùng thuốc.


Hiện chưa xác định được dùng thuốc kháng cholin với liều lượng nào, trong bao lâu mới gây ra ảnh hưởng như trên. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh có liên hệ mật thiết giữa việc dùng thuốc này với việc mắc các bệnh về nhận thức về sau.


Trong một nghiên cứu tiến hành năm 2013, Đại học Indiana đã chỉ ra rằng các loại thuốc chứa thành phần kháng cholin mạnh có thể gây ra một số vấn đề về nhận thức nếu uống liên tục trong vòng 60 ngày. Trong khi đó, thuốc dùng thành phần cholin yếu hơn có thể gây ra các rắc rối về nhận thức sau 90 ngày.