Việc sử dụng gạo lật thay ngô và hạt mỳ - những nguyên liệu được sử dụng chủ yếu trong thức ăn công nghiệp - sẽ giúp chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, tránh lệ thuộc quá nhiều vào thức ăn công nghiệp vốn luôn chứa kháng sinh.

Đó là một trong những giải pháp được các chuyên gia đưa ra tại hội nghị ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn do Sở KH&CN Hà Nội tổ chức, nhằm giúp các hộ chăn nuôi hạn chế rủi ro, tăng mức độ an toàn cho sản phẩm.

Tăng chi phí, giảm an toàn vì kháng sinh

Theo TS Vũ Ngọc Sơn - Viện Chăn nuôi, ngành chăn nuôi ở Hà Nội rất đa dạng và có nhiều lợi thế: Thị trường mạnh tại chỗ, nhiều cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng trên địa bàn nghiên cứu lĩnh vực này nên người chăn nuôi dễ tiếp cận kỹ thuật, công nghệ mới.


Khu hệ thống chuồng úm trong trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Trọng Long - xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. Hệ thống được lắp các bóng đèn công nghệ cao vừa để dùng sưởi ấm, vừa sát trùng cho lợn giống.
Khu hệ thống chuồng úm trong trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Trọng Long - xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. Hệ thống được lắp các bóng đèn công nghệ cao vừa để dùng sưởi ấm, vừa sát trùng cho lợn giống. Ảnh: Phượng Hằng
Thực tế, các hộ chăn nuôi ở Hà Nội đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật về con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, xử lý chất thải, vệ sinh thú y… Tuy nhiên, họ vẫn gặp nhiều bất cập gây nên những rủi ro lớn, nguy cơ mất an toàn cao và dịch bệnh thường xuyên đe dọa. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp hoàn toàn đang đặt ra vấn đề lớn cho an toàn thực phẩm vì 100% số thức ăn công nghiệp có kháng sinh, khiến lượng kháng sinh tồn dư cao trong thịt.

Theo giới chuyên môn, tình trạng sử dụng thuốc thú y đang làm tăng tới 8-10% giá thành, trong khi nếu chăn nuôi an toàn, chỉ số này là 2-3%. Điều này cho thấy các hộ chăn nuôi đang lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức.

“Việc sử dụng thức ăn công nghiệp và thuốc thú y trong chăn nuôi nông hộ hay trang trại đã làm cho nền chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu thức ăn và dược liệu nhập khẩu. Tình trạng này đã làm cho hiện tượng kháng thuốc trở nên trầm trọng, gây khó khăn rất nhiều cho công tác phòng, chống và điều trị” - TS Sơn cảnh báo.

Ứng dụng tiến bộ khoa học để có sản phẩm an toàn

Theo GS-TS Vũ Duy Giảng - một chuyên gia chăn nuôi, muốn phát triển chăn nuôi nông hộ an toàn và hiệu quả, cần có cách nhìn mới. Khâu đầu tiên trong cách tiếp cận mới này là xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi bằng cách xử lý chất thải với hầm biogas và kỹ thuật đệm lót sinh học. Việc ứng dụng đệm lót sinh học sẽ giảm tối đa sự có mặt của vi sinh vật gây hại nên giảm nồng độ các khí độc như NH3, CO2, H2S, giảm được ruồi muỗi và ký sinh trùng gây hại.

Cả chăn nuôi lợn và gia cầm trên đệm lót sinh học đều rất hiệu quả. Tùy theo vật nuôi, có thể thiết kế lớp độn dày hoặc mỏng (8-10cm với gia cầm, 60cm đối với lợn). Hỗn hợp này bao gồm trấu, mùn cưa không độc hại hoặc rơm băm nhỏ… trộn với chế phẩm vi sinh để tiêu hủy phân, thức ăn rơi vãi và nước tiểu.

“Phương pháp này có thể tiết kiệm tới 80% lượng nước rửa chuồng, chi phí lao động cũng giảm 60% và gia súc, gia cầm ít bệnh hơn, hạn chế sử dụng kháng sinh, giảm chi phí thuốc thú y…” - GS Giảng cho biết.

Ngoài ra, cần tăng cường sử dụng lúa gạo và tận dụng phế, phụ phẩm nông - công nghiệp. Ở vùng lúa màu, ngoài các sản phẩm của hạt ngũ cốc, nên tận dụng phụ phẩm rau, củ, quả để chăn nuôi. Với vùng ven đô, có thể dùng nguồn thức ăn thừa của các nhà hàng, phụ phẩm ở lò giết mổ.

Các hộ chăn nuôi ở vùng chế biến tinh bột, nấu rượu có thể tận dụng bỗng rượu, bã sắn, bã dong riềng. Tất cả các phế, phụ phẩm rau, củ, quả… đều có thể áp dụng phương pháp lên men chua bởi vi khuẩn lactic. Ngoài ra, cần bổ sung rau xanh cho lợn nái và gia cầm để giúp chúng cải thiện tiêu hóa, đẻ mắn hơn và tiết sữa tốt hơn.

Theo TS Sơn, việc sử dụng gạo lật thay ngô, hạt mỳ sẽ giúp chủ động nguồn thức ăn, có thể tự chế biến để phối hợp thành các khẩu phần cân đối dinh dưỡng cho chăn nuôi nông hộ mà không lệ thuộc quá nhiều vào thức ăn chăn nuôi công nghiệp hiện nay. Khi tự phối hợp khẩu phần, các nông hộ chỉ cần mua thêm một số thức ăn bổ sung như premix khoáng vitamin, các loại enzym và probitic.

“Các khâu kỹ thuật và cách nhìn mới này sẽ giúp chăn nuôi nông hộ gắn chặt hơn với trồng trọt và hệ thống canh tác sản xuất lúa gạo ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng, hạn chế tối đa ô nhiễm, bệnh tật cho người và vật nuôi, giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất được thực phẩm an toàn. Nhờ vậy, chăn nuôi sẽ an toàn và hiệu quả” - TS Vũ Ngọc Sơn khẳng định.