Hai bệnh nhân ung thư não có nguy cơ tử vong đã phản ứng tốt sau khi được thử nghiệm điều trị kết hợp bằng hai loại thuốc miễn dịch. Trong một trường hợp, khối u dường như đã biến mất.

Các bác sĩ tại Viện Nghiên cứu Ung thư và Bệnh viện Hoàng gia Marsden ở London, đơn vị thực hiện thử nghiệm, lưu ý rằng đây là giai đoạn nghiên cứu rất sớm, nhưng cho biết việc xuất hiện phản ứng tốt như vậy ở bệnh nhân ung thư não trong một thử nghiệm ban đầu là một thành tích kỳ lạ.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm điều trị có tên Ice-Cap trên 10 bệnh nhân u nguyên bào thần kinh đệm giai đoạn cuối - một dạng khối u trong não tương tự như khối u đã giết chết con trai của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ảnh chụp cộng hưởng từ não.

Bộ não được kiến tạo từ hai loại tế bào: tế bào neuron hay tế bào thần kinh chính thức và các tế bào thần kinh đệm (Glial cells, Neuroglia hoặc Glial). Các tế bào neuron chịu trách nhiệm gửi và nhận các tín hiệu thần kinh; trong khi các tế bào thần kinh đệm có nhiệm vụ nâng đỡ và cung cấp dinh dưỡng, duy trì cân bằng trong tế bào, tạo thành lớp vỏ myelin giúp việc truyền dẫn tín hiệu trong hệ thần kinh trở nên dễ dàng hơn. U nguyên bào thần kinh đệm là loại khối u thần kinh đệm xâm lấn nhất, phát triển nhanh và lan rộng chủ yếu đến các mô não gần đó.

U nguyên bào thần kinh đệm thường dẫn đến tử vong trong vòng 15 tháng sau chẩn đoán. Đến nay, phương pháp điều trị chính là phẫu thuật, sau đó là xạ trị và hóa trị. Mục tiêu chính của phẫu thuật là loại bỏ khối u càng nhiều càng tốt mà không làm tổn thương các mô não bình thường xung quanh cần thiết cho các chức năng thần kinh (như chức năng vận động, ngôn ngữ và di chuyển). Tuy nhiên, u nguyên bào thần kinh đệm thường được bao quanh bởi vùng di căn, nơi các tế bào ung thư xâm lấn các mô xung quanh, khiến phẫu thuật viên không thể loại bỏ hoàn toàn khối u.

Nhưng trong thử nghiệm mới, hai trong số 10 bệnh nhân sau khi không phản ứng với phẫu thuật, xạ trị và hóa trị đã phản ứng với sự kết hợp giữa thuốc điều trị miễn dịch atezolizumab - một kháng thể đơn dòng kích hoạt phản ứng miễn dịch chống khối u, và ipatasertib - một loại thuốc hướng đích mới giúp hệ thống miễn dịch phát hiện các khối u.

Hamish Mykura, 59 tuổi, đến từ West Sussex, là một trong hai trường hợp phản ứng tốt với thuốc: khối u của ông dần biến mất sau các lần chụp cắt lớp. Mykura được chẩn đoán mắc u nguyên bào thần kinh đệm vào tháng 8/2018 và được chuyển đến Marsden để điều trị, bao gồm hóa trị và xạ trị, và phẫu thuật tại bệnh viện St George’s. Khi việc điều trị không phát huy tác dụng, và bệnh ung thư bắt đầu phát triển vào tháng 8/2019, ông đã tham gia thử nghiệm Ice-Cap. Và giờ đây, 20 tháng sau, Mykura không còn khối u nữa.

“Nếu nghĩ đến mức độ nghiêm trọng của chẩn đoán ban đầu, thật đáng kinh ngạc khi tôi vẫn còn sống”, Mykura nói. “Một vài tháng sau khi bắt đầu thử nghiệm, tôi cảm thấy như tất cả hy vọng đã tan biến vì có vẻ như bệnh ung thư của tôi đã bắt đầu phát triển trở lại. Tuy nhiên, phẫu thuật cho thấy khối u lớn lên không phải do ung thư phát triển mà là tình trạng viêm do thuốc tấn công khối u - thuốc thử nghiệm đang phát huy tác dụng".

“Ung thư não có khả năng lẩn tránh hệ thống miễn dịch theo những cách phức tạp và cho đến nay, liệu pháp miễn dịch vẫn chưa có kết quả," TS Juanita Lopez, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. "Tuy nhiên, bằng cách sử dụng một loại thuốc mới gọi là ipatasertib, nghiên cứu này cho thấy rằng chúng ta có thể làm cho một số khối u ung thư não trở nên dễ bị tấn công bởi atezolizumab".

Lopez bày tỏ, “Chúng tôi tin rằng những phát hiện này mở ra các lựa chọn điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư não nguyên bào thần kinh đệm. Bệnh nhân mắc u nguyên bào thần kinh đệm có tỷ lệ sống sót rất thấp, và có ít lựa chọn điều trị hơn so với các bệnh nhân ung thư khác, vì vậy bất kỳ tiến bộ nào trong lĩnh vực này cũng rất đáng mừng."

Nguồn: