Trichloroethylene (TCE) là một hợp chất hóa học có trong chất tẩy dầu mỡ công nghiệp, giặt khô và các sản phẩm gia dụng như xi đánh giầy và chất tẩy rửa thảm. Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng gây bùng nổ bệnh Parkinson ở Mỹ.

EPA ước tính rằng 250 triệu pound hóa chất vẫn được sử dụng hằng năm ở Mỹ, và vào năm 2017, các khu công nghiệp đã thải vào môi trường hơn 2 triệu pound trong số đó, gây ô nhiễm không khí, đất và nước. Ảnh: Stock Photo

TS Ray Dorsey, nhà thần kinh học thuộc Trung tâm Y tế Đại học Rochester và là tác giả của cuốn sách Chấm dứt bệnh Parkinson, tin rằng bệnh Parkinson đang bùng phát. Theo ông, Parkinson đã và đang là chứng rối loạn thần kinh bùng nổ nhanh nhất trên thế giới - ở Mỹ, số người mắc bệnh này đã tăng 35% trong 10 năm qua. “Chúng tôi cho là trong vòng 25 năm tới, số người mắc bệnh Parkinson sẽ tăng gấp đôi.”

Hầu hết các trường hợp bệnh Parkinson được cho là tự phát – chúng không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ngày càng tin rằng một trong những yếu tố gây bệnh là do phơi nhiễm trichloroethylene (TCE), một hợp chất hóa học có trong chất tẩy dầu mỡ công nghiệp, giặt khô và các sản phẩm gia dụng như xi đánh giầy và chất tẩy rửa thảm.

Cho đến nay, bằng chứng rõ ràng nhất về tác động tiêu cực của TCE đến sức khỏe con người bắt nguồn từ những người lao động tiếp xúc với hóa chất tại nơi làm việc. Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2008 trên Annals of Neurology đã phát hiện TCE là “một yếu tố rủi ro gây bệnh Parkinson”. Và một nghiên cứu năm 2011 đã lần nữa khẳng định điều này, cho thấy “nguy cơ phát triển bệnh Parkinson ở những người tiếp xúc với TCE tại nơi làm việc cao gấp 6 lần”.

TS Samuel Goldman thuộc Viện Parkinson ở Sunnyvale, California, một trong những người đứng đầu nghiên cứu năm 2008 trên Annals of Neurology, viết: “Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng các chất gây ô nhiễm môi trường thông thường có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson, một bệnh gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người dân”.

Chính nhờ những nghiên cứu như thế vậy mà Bộ Lao động Mỹ đã ban hành hướng dẫn về TCE, trong đó có đoạn: “Hội đồng khuyến nghị […] việc phơi nhiễm với carbon disulfide và trichloroethylene (TCE) được cho là nguyên nhân, góp phần, hoặc làm trầm trọng thêm bệnh Parkinson.”

TCE là một hợp chất hóa học có trong chất tẩy dầu mỡ công nghiệp, giặt khô và các sản phẩm gia dụng như một số loại xi đánh giầy và chất tẩy rửa thảm. Ảnh: CDC/Unsplash

TCE là một chất gây ung thư - có thể kể đến ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư cổ tử cung, ung thư gan, ung thư đường mật, ung thư hạch bạch huyết và ung thư vú ở nam giới, cũng như các dị tật tim thai, và rất nhiều những ảnh hưởng khác.

Dù đã nhận thức được mối quan hệ giữa TCE và bệnh Parkinson, người ta thường bỏ qua nó, bởi thực tế là sau hàng thập kỷ kể từ khi phơi nhiễm TCE, người bệnh mới có triệu chứng rõ rệt. Một số người có thể bị mệt mỏi ngay lập tức sau khi phơi nhiễm, nhưng những người khác có thể đã vô tình làm việc hoặc sống ở các khu vực bị ô nhiễm hóa chất suốt phần lớn cuộc đời trước khi phát triển các triệu chứng của bệnh Parkinson.

Những người sống và làm việc gần các khu vực thuộc Danh sách Ưu tiên Quốc gia – hay còn gọi là khu vực Superfund (đây là những địa điểm bị ô nhiễm các chất độc hại như TCE), có nguy cơ phơi nhiễm đặc biệt cao. Ví dụ, quận Santa Clara (California) là nơi không chỉ có Thung lũng Silicon, mà còn có 23 địa điểm Superfund – mật độ cao nhất cả nước.

Google Quad Campus cũng tọa lạc tại một khu vực Superfund; vào một vài tháng trong năm 2012 và 2013, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã phát hiện nhân viên của công ty này đang hít phải mức TCE vượt ngưỡng an toàn, dưới dạng hơi độc bốc lên từ mặt đất bên dưới văn phòng của họ.

Cần sự can thiệp của chính phủ

Dù một số quốc gia quy định nghiêm ngặt về TCE (việc sử dụng nó bị cấm ở EU nếu không có sự cho phép đặc biệt), EPA ước tính 250 triệu pound hóa chất vẫn được sử dụng hằng năm ở Mỹ, và vào năm 2017, các khu công nghiệp đã thải vào môi trường hơn 2 triệu pound trong số đó, gây ô nhiễm không khí, đất và nước. Ước tính, TCE hiện diện trong khoảng 30% lượng nước ngầm của Mỹ.

Theo các quy định của EPA, TCE được xem là “an toàn” khi tồn tại trong nước uống với nồng độ tối đa là năm phần tỷ. Trong những trường hợp ô nhiễm nghiêm trọng, chẳng hạn như vụ ở Trại Lejeune vào giữa những năm 1950 và cuối những năm 1980, người dân ở đây đã tiếp xúc với mức ô nhiễm nhiều hơn tới 3.400 lần so với mức cho phép của tiêu chuẩn an toàn.

Dù Briana de Miranda, nhà độc chất học TCE thuộc Đại học Alabama tại Trường Y Birmingham, cho biết, các nhà nghiên cứu không tin rằng một lượng siêu nhỏ TCE trong nước uống có thể đủ để gây bệnh, nhưng theo Dorsey, không hề nói quá khi cho rằng nước ngầm của Mỹ có thể gây bệnh Parkinson. “Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa nước giếng với bệnh Parkinson, và trong những ca này không chỉ có TCE, mà còn có thể có thuốc diệt cỏ như paraquat”, ông nói.

Sử dụng các thiết bị lọc than hoạt tính (như bộ lọc Brita) có thể giúp giảm TCE trong nước uống, tuy nhiên việc tắm bằng nước bị ô nhiễm, cũng như hít phải hơi từ nước ngầm và đất độc hại thì khó tránh hơn rất nhiều.

Tháng 5/2020, Minnesota trở thành tiểu bang đầu tiên ra lệnh cấm TCE; tiếp theo là New York vào tháng 12/2020, và rồi nhiều bang cũng đồng lòng. De Miranda cho rằng chính phủ cần đưa ra chính sách hoặc can thiệp nhằm kiểm tra, giám sát và khắc phục các địa điểm bị nhiễm TCE, và điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của TCE trong việc gia tăng tỷ lệ mắc bệnh Parkinson.

Nguồn: