Trước việc nhiều người có con nhỏ ở Việt Nam hào hứng với thông tin có thể lưu trữ tế bào gốc răng sữa để chữa bệnh hiểm trong tương lai, các chuyên gia cho biết Việt Nam có năng lực lưu trữ các loại tế bào gốc, nhưng chưa có khả năng sử dụng nó để chữa bệnh.

Phí lưu trữ tương đương máu cuống rốn

Gần đây, thông tin về khả năng ứng dụng tế bào gốc răng sữa vào điều trị do Viện Y tế quốc gia Mỹ công bố được nhiều trang tin, báo điện tử đăng tải lại, sau đó lan truyền mạnh qua mạng xã hội với thông điệp: “Đừng vứt răng sữa vì chúng có thể cứu mạng con bạn”, gây sốt cho nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến việc “bảo hiểm sức khỏe cho con” bằng cách lưu trữ tế bào gốc nhưng đã bỏ lỡ cơ hội lưu trữ máu cuống rốn khi sinh, trong đó có chị Trần Thị Linh - sống tại Linh Đàm, Hà Nội. “Con tôi mới 2 tuổi nên vẫn còn cơ hội lưu trữ tế bào gốc khi cháu đến tuổi thay răng” - chị Linh nói.

Bé Ngọc Linh - 6 tuổi, Hà Nội - được nhổ răng sữa tại một phòng khám nha. Ảnh: Châu Long

Giải thích về ưu thế của tế bào gốc trong chữa bệnh, GS-TS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện Vinmec Times City - cho biết: Hiệu quả chữa bệnh cao nhất là tế bào gốc lấy từ phôi - còn gọi là tế bào gốc vạn năng, có khả năng tạo ra mọi mô cơ quan trong cơ thể, tiếp đến là tế bào gốc lấy từ nhũ nhi (máu cuống rốn, nhau thai) - còn gọi là tế bào gốc đa năng vì có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào.

Còn tế bào gốc trưởng thành ở người lớn không có khả năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau. Theo ông Liêm, răng sữa cũng là nguồn tế bào gốc tốt vì còn “non” hơn rất nhiều so với tế bào gốc trưởng thành.

Số ca ghép tế bào gốc đã thực hiện tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Nguồn: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

TS Phạm Văn Phúc - Phó phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM - cho biết, người Việt Nam có nhu cầu hoàn toàn có thể lưu tế bào gốc răng sữa với chi phí tương tự lưu tế bào gốc cuống rốn (khoảng 16-25 triệu trong năm đầu và 2,1 triệu cho mỗi năm tiếp theo).

Trưởng phòng thí nghiệm này - ThS Phan Kim Ngọc - cho rằng những gia đình không kịp lưu mẫu máu cuống rốn cho con có thể lưu trữ tế bào gốc từ răng sữa, phòng trường hợp cần dùng đến trong tương lai. Răng sữa ngay sau khi rời khỏi lợi phải lập tức được khử trùng và mang đến phòng thí nghiệm để phân tích xem tế bào gốc còn sống hay không trước khi làm thủ thuật lấy tủy răng để lưu trữ. Sau vài ngày răng rụng, chắc chắn không còn tế bào sống.


Bỏ ngỏ về ứng dụng

Nói về việc sử dụng tế bào gốc răng sữa để chữa bệnh, TS Phúc cho biết: “ĐH Quốc gia TPHCM và một số nơi ở Hà Nội đã có nghiên cứu thu nhận tế bào gốc từ răng sữa, nhưng chưa tìm được đầu ra cho ứng dụng, nghĩa là lưu trữ được nhưng dùng vào việc gì thì chưa rõ”. TS Mai Văn Điển - Giám đốc y khoa Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem (TPHCM) - cũng khẳng định: “Hiện ở Việt Nam chưa có ứng dụng gì từ tế bào gốc răng sữa”.

Ông Lê Xuân Thịnh - kỹ thuật viên trưởng của Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương - kiểm tra tế bào trong thùng bảo quản. Ảnh: C.Long

ThS Phan Kim Ngọc đánh giá, về chất lượng, nếu cho tế bào gốc cuống rốn 10 điểm thì tế bào gốc răng sữa chỉ được 7-8 điểm vì nó đã phát triển trong 5-7 năm. Theo TS Phúc, tế bào gốc trong răng sữa rất ít về số lượng và không có khả năng điều trị ung thư như tế bào gốc từ máu cuống rốn.

Do đó theo các chuyên gia, nếu có ý định lưu trữ tế bào gốc như một cách phòng xa, tốt nhất nên có kế hoạch để lưu máu cuống rốn hoặc màng dây rốn để có số lượng và chất lượng tế bào gốc cao hơn. Việc lưu trữ cũng chủ động hơn vì ấn định được thời gian thực hiện, đảm bảo khả năng sống của tế bào, trong khi răng sữa không thể biết trước sẽ rụng lúc nào.