Điều trị xơ gan trên chuột sử dụng liệu pháp tế bào gốc là đề tài luận án tiến sỹ của Trương Hải Nhung, được bảo vệ thành công năm 2015. Tế bào gốc hiện vẫn là hướng đi chị theo đuổi.

TS Trương Hải Nhung trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NV

Tế bào gốc được cho là có khả năng tái tạo mô gan ở bệnh nhân xơ gan. Liệu pháp này có nhiều ưu điểm như nguồn cung dồi dào, có thể ghép tự thân…

Để khảo sát tính an toàn và hiệu quả của nhiều loại tế bào gốc khác nhau như tế bào gốc từ tuỷ xương, mô mỡ, máu cuống rốn… đối với bệnh xơ gan, TS Nhung đã tiến hành nghiên cứu trên chuột để làm cơ sở cho các nghiên cứu trên người, từ đó khảo sát và đánh giá hiệu quả các phác đồ, phương pháp và quy trình cấy ghép tế bào gốc.

Kết quả cho thấy, phương pháp cấy ghép tế bào gốc trung mô từ tuỷ xương, máu cuống rốn và mô mỡ an toàn và có hiệu quả trong điều trị xơ gan.

Trong thời gian tới, TS Nhung và cộng sự sẽ tiếp tục tối ưu hoá liệu pháp ghép tế bào gốc trong điều trị xơ gan bằng việc kết hợp thêm các yếu tố hỗ trợ và tăng cường vai trò của tế bào gốc, nghiên cứu quy trình tạo ra tế bào gan với số lượng lớn nhằm hướng tới ứng dụng cấy ghép.

“Chúng tôi hy vọng sẽ đưa ra thêm nhiều phác đồ hiệu quả tối ưu trong điều trị xơ gan; khảo sát thêm nhiều loại tế bào gốc khác, nghiên cứu xây dựng các mô hình tế bào và động vật bệnh lý để phục vụ nghiên cứu, sàng lọc các thuốc mới trong điều trị bệnh gan, trong đó có xơ gan” - TS Nhung nói. Với sự đam mê và những thành quả đạt được trong nghiên cứu, chị được chọn là một trong 72 nhà khoa học trẻ tham gia cuộc gặp gỡ với Thủ tướng năm 2015.