Tờ Straits Times của Singapore mới đây đã vinh danh Tiến sĩ Phan Toàn Thắng, cha đẻ của phương pháp ghép tế bào gốc từ dây rốn cho da, giác mạc, xương và một số bộ phận cơ thể.

Theo Straits Times, niềm đam mê khoa học đã giúp bác sĩ Phan Toàn Thắng phát hiện ra phương pháp ghép tế bào gốc từ dây rốn để chữa lành các vết thương do bỏng, tiểu đường, thậm chí cả ghép giác mạc.

Bác sĩ Thắng cùng Tiến sĩ Gavin Tan và Ivor Lim cùng sáng lập Công ty sinh học Cellresearch Corp vào năm 2002, trị giá 700 triệu đô la ở Singapore. Tới nay, công ty đã sở hữu 39 bằng sáng chế trên toàn thế giới, bao gồm các sáng chế về chiết xuất tế bào gốc từ dây rốn, cách bảo quản và các ứng dụng trong điều trị.

"Vết thương không lành là một gánh nặng y tế lớn ở khắp nơi. Chúng liên quan đến bệnh tiểu đường, đột quỵ, bệnh tim và lão hóa", bác sĩ Thắng giải thích về tầm quan trọng của công nghệ ghép da và có thể giúp bệnh nhân cấy ghép da với mức giá phải chăng hơn.

Singapore vinh danh bac si Viet ghep te bao goc tu day ron hinh anh 1

Bác sĩ Phan Toàn Thắng, người đã phát hiện ra cách sử dụng tế bào gốc từ dây rốn để chữa lành các vết thương. Ảnh: Straitstimes.

Trước khi có được thành tựu như hiện tại, bác sĩ Thắng đã phải trải qua chặng đường dài từ khi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học tại Khoa bỏng của Bệnh viện Đa khoa Singapore năm 1997.

Vào năm 2002, thời điểm Cellresearch Corp thành lập, bác sĩ Thắng chuyển đến làm việc tại Viện Sinh học tế bào gốc và Y học tái tạo, thuộc Đại học Stanford (Mỹ). Trong 2 năm ở đây, ông tìm ra cách tách tế bào gốc từ nhau thai để điều trị tổn thương gan.

Năm 2004, bác sĩ Thắng trở lại Singapore, quyết định thử nghiệm nhau thai và dây rốn. Thời điểm này, các tế bào gốc ở máu dây rốn đã được sử dụng để điều trị các bệnh như bạch cầu, các loại ung thư máu hay rối loạn máu khác. Đồng sáng lập Cellresearch Corp, Giám đốc điều hành Gavin Tan cũng ủng hộ quyết định của ông.

Ông Tan đã cung cấp cho bác sĩ Thắng 2 bình thí nghiệm, một chiếc đựng nhau thai và một chiếc đựng dây rốn của vợ ông sau khi sinh. Bác sĩ Thắng thử nghiệm bình đựng nhau thai trước, nhưng thất bại vì nhau thai đã dính máu và bị hỏng. Sau đó, bác sĩ Thắng thử nghiệm với chiếc bình thứ 2. Ông nhận thấy dây rốn rất sạch sẽ, không bị dính máu, có màu trắng, nổi trong chiếc bình bảo quản.

Tuy vậy, bác sĩ Thắng đã gặp nhiều thất bại trong việc hoàn thiện môi trường bảo quản và sát khuẩn dây rốn. "Lúc đó, tôi dường như chỉ sống trong phòng thí nghiệm. Tôi thường xuyên tắt điện thoại, khiến vợ tôi rất bực. Thời điểm này, không ai quan tâm đến làn da. Họ tập trung vào các vấn đề ung thư và tim mạch. Chúng tôi chỉ lặng lẽ theo đuổi dự án", bác sĩ Thắng tâm sự.

Nghiên cứu tạo tế bào gốc từ dây rốn, thứ được coi là chất thải y tế, đã đưa tên tuổi bác sĩ Thắng đạt đến tầm cao mới. Nghiên cứu này có thể cung cấp 6 tỷ tế bào gốc để tạo thành da, xương, giác mạc và các bộ phận khác, có khả năng ứng dụng cao trong việc chữa lành các vết thương do bỏng và nhiều bệnh tật khác.

Ứng dụng tế bào gốc để chữa trị vết thương được tiến hành dưới sự phê duyệt của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Các tế bào sản xuất tại thành phố Denver (Mỹ) và thử nghiệm lâm sàng trên người dự kiến được diễn ra vào đầu năm tới.

Nhận định về nghiên cứu này, tiến sĩ Por Yong Chen đến từ trường College of Surgeons, Singapore, cho biết: "Kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng rất rộng lớn, đặc biệt đối với những bệnh nhân tiểu đường. Đây là bước đột phá quan trọng, và sẽ có nhiều người làm theo".