Việc phát hiện và đưa bệnh nhân đột quỵ đến đơn vị đột quỵ kịp thời ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, số đơn vị đột quỵ ở Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu so với điều kiện lý tưởng và hầu hết tập trung ở các thành phố lớn.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới. Theo bản đồ đột quỵ thế giới, tỉ lệ xảy ra đột quỵ ở Việt Nam ở mức hơn 218/100.000 người. Như vậy, hằng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ.

Đột quỵ não là một trong những căn bệnh gây tử vong và tàn phế hàng đầu thế giới. Thời gian vàng để cứu sống người bệnh và hạn chế các biến chứng là 3-6 giờ đầu kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ như nói ngọng, méo miệng, choáng váng… Tuy nhiên, “rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu”, PGS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) chia sẻ trong một bài đăng gần đây trên trang facebook cá nhân.

Việc phát hiện sớm là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả điều trị đột quỵ.
Việc phát hiện sớm là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả điều trị đột quỵ.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, PGS. Nguyễn Huy Thắng cho rằng số lượng đơn vị đột quỵ - bộ phận thuộc khoa lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện các chức năng như của đội đột quỵ và cấp cứu, chẩn đoán, điều trị tích cực, phục hồi chức năng, dự phòng đột quỵ cho người bệnh - ở Việt Nam hiện chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

“Tại Việt Nam, đơn vị đột quỵ đầu tiên được thành lập tại Bệnh viện Nhân dân 115 vào năm 2005. Với sự hỗ trợ của Hội Đột quỵ [thế giới] và Angels Team [thuộc Chương trình Angels Initiative do tập đoàn dược phẩm Boehringer Ingelheim khởi xướng từ năm 2015 nhằm xây dựng mạng lưới chăm sóc đột quỵ trên toàn cầu, với sự cố vấn chuyên môn của Hội Đột quỵ châu Âu và Hội Đột quỵ thế giới], cho đến nay, sau 18 năm, đã có 110 đơn vị đột quỵ được thành lập trên toàn quốc. Mặc dù vậy, phần lớn các đơn vị đột quỵ tập trung tại những thành phố lớn như TPHCM hoặc Hà Nội. Còn khá nhiều tỉnh/thành lớn tại ba miền, cho đến nay vẫn chưa có đơn vị đột quỵ. Hậu quả là, khá nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài tiếng mới có thể tiếp cận trung tâm đột quỵ gần nhất”, anh phân tích.

Việc thành lập các đơn vị đột quỵ, với đội ngũ thầy thuốc và điều dưỡng đào tạo chuyên biệt, được xem là chiến lược mang lại lợi ích cho cộng đồng lớn nhất tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, với yêu cầu điều trị càng sớm càng tốt, số lượng các đơn vị đột quỵ cần đạt được con số cần thiết theo khoảng cách địa lý, nhằm đảm bảo bệnh nhân có thể đến được đơn vị đột quỵ trong 60 phút sau khi khởi phát.

Đơn cử như tại Mỹ, cách đây 11 năm, có khoảng 20% bệnh nhân đột quỵ không đến được đơn vị đột quỵ gần nhất trong vòng 60 phút. Nhưng đến năm 2022, tỉ lệ này chỉ còn 4%, khoảng 96% bệnh nhân đột quỵ đã được điều trị kịp thời trong 60 phút đầu tiên.Để làm được điều này, Mỹ đã thành lập gần 3.000 đơn vị đột quỵ. Với số ca đột quỵ gần 800.000 ca mỗi năm tại nước này, ước tính mỗi đơn vị đột quỵ điều trị chưa đến 300 bệnh nhân/năm. Ngoài ra, các thành phố lớn ở Hoa Kỳ còn có “Mobile Stroke Unit” (đơn vị đột quỵ di động), nhờ đó, thời gian điều trị có thể rút ngắn đáng kể.

Với số lượng đơn vị đột quỵ ở Việt Nam hiện nay, trung bình mỗi đơn vị phải phụ trách hơn 2.000 bệnh nhân/năm, cao hơn rất nhiều con số 300 bệnh nhân/năm của Mỹ. PGS. Nguyễn Huy Thắng cho biết, để đạt được con số lý tưởng theo khuyến cáo là 500 bệnh nhân/năm, chúng ta cần bổ sung thêm 400 đơn vị đột quỵ (cho 200.000 ca) trong những năm tới. Hoặc ít nhất cũng phải tăng lên 200 đơn vị đột quỵ, để đạt được con số 1.000 bệnh nhân/năm/đơn vị đột quỵ.