Sự giằng xé nội tâm
Các nhà khoa học khẳng định, tội ác giết người không dễ dàng diễn ra. Đa số kẻ sát nhân nổi tiếng đã đấu tranh tâm lý căng thẳng để đi đến phạm tội. Nhà tâm lý Pascal Molenberghs tại Đại học Monash (Australia) cho biết, não người được mã hóa mang các phẩm chất như tình thương, cảm giác tội lỗi, đồng cảm với nỗi đau của người khác. Điều này có thể khiến kẻ sát nhân cảm thấy đau đớn dữ dội như những gì nạn nhân trải qua.
“Khi những người tham gia nghiên cứu tưởng tượng họ bắn ai đó, một xung động lớn xuất hiện trong vùng trán - ổ mắt (OFC) - vùng não quan trọng trong việc đưa ra các quyết định mang tính đạo đức. Phản ứng lớn hơn ở vùng OFC chứng tỏ họ cảm thấy tội lỗi hơn khi bắn người khác” - TS Molenberghs nói.
GS William Klug - người bị bắn chết trong cuộc tấn công tự sát tại Đại học California (Mỹ) tháng 6/2016, hung thủ là một tiến sỹ lấy bằng ở đây. Ảnh: Huffingtonpost
Diễn biến nội tâm đó có thể khiến những vụ giết người rồi tự sát càng khó xảy ra hơn. Trong thực tế, người ta không chỉ đơn giản đổ lỗi theo kiểu hung thủ có bệnh tâm thần hay căng thẳng, trầm cảm. “Trong các trường hợp giết người rồi tự sát, tỷ lệ trầm cảm chiếm 40-60% nhưng tùy thuộc vào hoàn cảnh” - chuyên gia tâm lý Paul Keedweell tiết lộ.
James Ogloff - Đại học Công nghệ Swinburen, Australia - cho biết, việc giết người rồi tìm đến cái chết thường giống với hành động tự sát hơn là tấn công. Thủ phạm có thể là người bất mãn với xã hội hoặc chống lại một tổ chức nào đó.
Nạn nhân của các vụ giết người rồi tự sát thường là người thân hoặc những người mà thủ phạm biết rõ - như đồng nghiệp hay bạn cùng lớp. Thủ phạm đa số là đàn ông, sự việc diễn ra trong gia đình, trường học hoặc công sở.
Hành động xảy ra đột ngột
“Con đường dẫn tới bạo lực bắt đầu từ một số ý nghĩ và sau đó tưởng tượng về kế hoạch. Có thể có giai đoạn lập kế hoạch mà người khác không chú ý tới. Những tưởng tượng về việc giết người có thể biến thành mục đích, khiến một ai đó theo dõi nạn nhân và chuẩn bị vũ khí” - TS Peter Ash thuộc Đại học Emory (Mỹ) nói.
Tuy nhiên, nhiều vụ giết người gây chấn động lại xảy ra hết sức bất ngờ. “Khi một người có ý tưởng sát nhân, họ có rất nhiều lựa chọn trong suy nghĩ. Đôi khi ý nghĩ đó biến mất rồi bị thúc đẩy trong một thời điểm, khiến hành động diễn ra đột ngột” - GS Lorraine tại Đại học Hoàng gia London (Anh) nói.
Bác sỹ tâm thần Lyle Rossiter (Mỹ) cũng cho rằng, sự tích tụ tâm lý dẫn tới bùng phát bạo lực và giết người thường xảy ra tối thiểu trong vài ngày; nhưng trong một số trường hợp, điều này chỉ diễn ra trong vòng vài giờ.
Theo Giáo sư Lorraine, nghiên cứu về đối tượng này rất khó bởi thủ phạm thường tự sát sau khi gây án, khiến các chuyên gia không có cơ hội trò chuyện. Họ chỉ có thể hỏi những người xung quanh thủ phạm để biết thêm thông tin. Quyết định giết người bùng phát đột ngột cũng khiến chuyên gia nghiên cứu khó truy tìm manh mối (như tin nhắn, thư tuyệt mệnh) để hiểu nguyên nhân, diễn biến nội tâm của thủ phạm.
“Hầu hết những người tự sát sẽ để lại manh mối hoặc một thông điệp nào đó; nhưng một số vụ án có tính chất cực đoan cao lại không thể giải thích” - bác sỹ tâm thần Mỹ Simon Wessely nói.
Ở Mỹ mỗi năm có khoảng 1.500 người chết do các vụ giết người rồi tự sát. Con số đó nhỏ hơn nhiều so với 16.000 nạn nhân các vụ giết người khác và 38.000 người chết do tự tử. Theo các nhà tâm lý học, do tần suất thấp, các vụ giết người rồi tự sát gần như không thể đoán dự trước.
Năm 2002, hệ thống báo cáo tử vong do bạo lực cấp quốc gia của Mỹ tiến hành thu thập dữ liệu về bạo lực liên quan đến án mạng trong 6 bang. Năm 2008, Bộ Y tế công cộng Mỹ bắt đầu dùng hệ thống điện tử báo cáo tử vong do bạo lực của California để theo dõi các vụ án giết người rồi tự sát ở 8 bang. Việc biết được hoàn cảnh của thủ phạm và nạn nhân có thể giúp các nhà nghiên cứu đưa ra cảnh báo giúp ngăn chặn những ca tương tự. Điều đó có ý nghĩa quan trọng hơn là việc đi tìm câu trả lời khi nào và tại sao vụ án mạng đó sẽ xảy ra. |