Nghiên cứu mới cho thấy những người thường xuyên dùng đồ uống chứa đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo có thể bị tăng nguy cơ mắc chứng rung nhĩ, một rối loạn nhịp dẫn đến tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ và suy tim.
Trong nghiên cứu này, Tiến sĩ Ningjian Wang và các cộng sự tại Thượng Hải, Trung Quốc, đã xem xét các câu trả lời từ bảng hỏi về chế độ ăn uống và dữ liệu di truyền của hơn 200.000 người trưởng thành đăng ký Ngân hàng Sinh học Biobank của Vương quốc Anh, một cơ sở dữ liệu và nguồn nghiên cứu y sinh lớn.
Vào thời điểm tham gia nghiên cứu từ năm 2006 đến năm 2010, họ không bị rung nhĩ. Nhưng trong thời gian theo dõi 10 năm, đã có 9.362 trường hợp chẩn đoán mắc rung nhĩ.
Sau khi phân tích và so sánh các lựa chọn đồ uống có đường giữa những người tham gia, các nhà nghiên cứu phát hiện cả đồ uống có đường và chất làm ngọt nhân tạo đều liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ.
Những người uống ít nhất hai lít đồ uống có chất tạo ngọt nhân tạo mỗi tuần có nguy cơ mắc rung nhĩ cao hơn 20% so với những người không dùng bất kỳ thức uống ngọt nào. Đối với những người uống cùng một lượng đồ uống có đường mỗi tuần, nguy cơ bị rung nhĩ của họ cao hơn 10%.
Trong khi đó, những người tham gia uống từ 1 lít nước ép trái cây nguyên chất trở xuống mỗi tuần có nguy cơ bị rung nhĩ thấp hơn 8%.
Các yếu tố khác liên quan đến tăng nguy cơ bị rung nhĩ cũng được xem xét: Các nhà nghiên cứu phát hiện uống hơn 2 lít đồ uống có chất tạo ngọt nhân tạo mỗi tuần dẫn đến nguy cơ bị rung nhĩ cao, bất kể đặc điểm di truyền của cá thể đối với tình trạng này. Khi hút thuốc lá kết hợp với sử dụng đồ uống có đường, những người tham gia có nguy cơ bị rung nhĩ cao hơn 31%.
Nghiên cứu đã được công bố gần đây trên tạp chí Circulation: Arrhythmia and Electrophysiology của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.
Thức uống có đường và sức khỏe tim mạch
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi không thể kết luận dứt khoát rằng một loại đồ uống nào đó gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe hơn loại đồ uống khác do sự phức tạp trong chế độ ăn uống của chúng ta và bởi vì một số người có thể uống nhiều loại đồ uống,” Tiến sĩ Wang – hiện là nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhân dân số 9 Thượng Hải và Trường Y thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc - cho biết trong thông cáo báo chí. “Tuy nhiên, dựa trên những phát hiện này, chúng tôi khuyên mọi người nên giảm hoặc thậm chí tránh đồ uống có đường và chất tạo ngọt nhân tạo bất cứ khi nào có thể. Đừng cho rằng dùng thức uống có chất làm ngọt nhân tạo thì ít đường và ít calo là tốt cho sức khỏe, nó có thể gây ra những nguy cơ tiềm ẩn nguy hiểm.”
Theo Tiến sĩ Penny M. Kris-Etherton, thành viên ủy ban Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, mặc dù có “bằng chứng mạnh mẽ” về mối liên hệ giữa đồ uống có đường với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhưng người ta biết rất ít về tác dụng của chất làm ngọt nhân tạo đối với hệ tim mạch. “Đây là nghiên cứu đầu tiên báo cáo mối liên quan giữa chất làm ngọt không calo hoặc ít calo cũng như thức uống có đường và nguy cơ mắc rung nhĩ,” ông cho biết.
Còn theo Tiến sĩ Henri Roukoz, Trưởng khoa Điện sinh lý tại Trường Đại học Y khoa Minnesota, những người dùng thức uống có đường có xu hướng tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh thận và các vấn đề sức khỏe khác. Trong số đó, béo phì và tiểu đường được xem là một trong những nguy cơ quan trọng làm tăng tỉ lệ mắc rung nhĩ về sau.
Nguồn: