Nhiều khả năng, COVID-19 sẽ trở thành một căn bệnh đặc hữu, tức là virus gây bệnh tiếp tục biến đổi và luôn tồn tại trong cộng đồng. Hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ kháng lại nó như thế nào?

Mọi người duy trì khoảng cách bên ngoài một tiệm bánh pizza ở Brooklyn, Mỹ vào tháng 5/2020 | Ảnh: Erik McGregor
Mọi người duy trì khoảng cách bên ngoài một tiệm bánh pizza ở Brooklyn, Mỹ vào tháng 5/2020 | Ảnh: Erik McGregor

Trí nhớ miễn dịch

Vào mùa xuân năm 1846, nhà sinh lý học Peter Ludwig Panum đã đến quần đảo đá núi lửa Faroe cách Scotland 200 dặm về hướng tây bắc. Vào thời điểm đó, nó chỉ có khoảng 8.000 cư dân, chủ yếu là người Đan Mạch. Họ dành cả ngày hoạt động ngoài trời, hứng gió biển, câu cá và chăn cừu.

Tuy nhiên, bất chấp sự điều kiện y tế nghèo nàn và chế độ ăn chủ yếu là đồ khô (đôi khi còn bị ôi thiu), tuổi thọ trung bình của người Faroe vẫn đạt tới 45 tuổi, tương đương hoặc thậm chí nhỉnh hơn so với người Đan Mạch ở lục địa. Bởi vị trí cô lập của nó, người dân trên đảo gần như không có bệnh truyền nhiễm. Các đợt dịch đậu mùa và sốt phát ban [ở lục địa] hiếm khi chạm đến đây.

Panum đến để nghiên cứu một đợt bùng phát sởi bất ngờ, diễn ra lần đầu sau 65 năm và càn quét phần lớn cư dân. Chỉ trong sáu tháng, hơn 3/4 cư dân trên đảo bị nhiễm bệnh, khoảng 100 người đã tử vong.

Từ quan điểm dịch tễ học, đợt bùng phát này có nhiều khía cạnh bất thường. Ở châu Âu lục địa, thường trẻ em mới bị nhiễm sởi. Tại quần đảo Faroe, hầu như không có trẻ em nào tử vong do dịch sởi, trong khi người lớn lại chịu tác động nặng nề nhất. Tỷ lệ tử vong tăng theo độ tuổi cho đến tuổi 65 và đột ngột giảm xuống.Hóa ra, những người đã nhiễm sởi ở đợt dịch cách đây hơn 65 năm vẫn được bảo vệ bởi khả năng miễn dịch. Panum viết rằng “Trong số những người lớn tuổi, không ai mắc bệnh sởi lần thứ hai.”

Nghiên cứu của Panum chỉ ra một sự thật quan trọng: cơ thể chúng ta có ký ức miễn dịch. Nó ghi nhớ sự xuất hiện của mầm bệnh và, trong một số trường hợp, có thể tạo ra sự bảo vệ lâu dài, thậm chí là suốt đời.

Các nền văn minh cổ đại đã biết về trí nhớ miễn dịch từ rất lâu trước khi họ hiểu được nó. Khi nói về bệnh dịch ở Athens, sử gia Thucydides đã viết rằng “một người chưa bao giờ bị [bệnh dịch] tấn công hai lần - ít nhất là chưa bao giờ gây bệnh đến mức tử vong”. Sau này, nhiều người cũng rút ra được ý tưởng về hệ thống miễn dịch như thế.

Virus đặc hữu

Chúng ta thường nghĩ về khả năng miễn dịch như một trạng thái nhị phân: nếu không có nó, chúng ta sẽ dễ bị tổn tương; nếu có nó, ta sẽ được an toàn. Tuy nhiên, nhiều tác nhân gây bệnh, bao gồm cả coronavirus, không đơn giản như vậy.

Lấy ví dụ về họ nhà coronavirus, trong đó có virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19, và 4 loại coronavirus khác gây bệnh theo mùa, bao gồm HCoV-229E, HCoV-OC43, HCoV-HKU1 và HCoV-NL63 chịu trách nhiễm cho khoảng 10-30% số ca cảm lạnh thông thường (common cold).

Ngày nay, những loại coronavirus theo mùa rất dễ lây lan ở trẻ em, giống như các ca bệnh sởi ở thời Panun. Nhưng không giống như bệnh sởi, vài năm một lần, người lớn lại có thể bị tái nhiễm coronavirus.

Phần lớn những gì chúng ta biết về hiện tượng tái nhiễm đều bắt nguồn từ một chương trình nghiên cứu đáng chú ý ở Anh mang tên "Common Cold Unit", thực hiện trên 18.000 tình nguyện viên trong suốt 40 năm.

Trong nghiên cứu cuối cùng được công bố vào năm 1990, các nhà khoa học đã tuyển 14 tình nguyện viên khỏe mạnh và cố gắng lây nhiễm virus coronavirus 229E cho họ bằng phương pháp rửa mũi. Kết quả 9 người đã bị nhiễm, 5 người không bị nhiễm.

Một năm sau, các nhà nghiên cứu lặp lại thử nghiệm với liều lượng virus tương tự. Trong số 9 người ban đầu đã nhiễm coronavirus, 6 người bị nhiễm lại. Còn 5 người không bị nhiễm coronavirus trong lần đầu đều bị nhiễm trong lần thứ hai.

Thực tế, việc tái nhiễm có vẻ đáng báo động nhưng điều may mắn là những người tái nhiễm đều có triệu chứng nhẹ hơn và không có khả năng truyền virus cho người khác. Nói cách khác, mặc dù cơ thể chúng ta chưa phát triển khả năng miễn dịch hoàn chỉnh nhưng vẫn có miễn dịch ở một mức độ nhất định.

Bức chân dung u ám về khả năng miễn dịch coronavirus này sẽ định hình tương lai của chúng ta khi kiểm soát được đại dịch COVID-19. Sau khi chúng ta nhiễm virus hoặc được tiêm vaccine, nhiều khả năng là virus SARS-CoV-2 vẫn sẽ ở lại.

Hầu hết các loại virus - bao gồm cả 4 loại coronavirus theo mùa, các virus cảm lạnh thông thường khác và virus cúm - vẫn chưa bị diệt trừ. Các nhà khoa học mô tả chúng là "đặc hữu" (endemic) – một từ có nguồn gốc Hy Lạp có nghĩa là tồn tại “trong dân chúng”. Những virus đặc hữu này sẽ lưu hành liên tục trong cộng đồng, ở mức độ thấp nhưng thỉnh thoảng lại bùng lên thành dịch và có thể nghiêm trọng hơn.

Đối với các loại virus đặc hữu, chúng ta sẽ không sử dụng các chiến lược cách ly hoặc lệnh ở nhà để đối phó, mà phải tìm cách sống chung với nó.

Cơ sở để sống chung với virus

Khả năng sống chung với SARS-CoV-2 phụ thuộc vào câu trả lời cho một loạt câu hỏi: Trí nhớ miễn dịch của chúng ta mạnh đến mức nào? Khả năng miễn dịch sẽ suy giảm ra sao khi đối mặt với các biến thể virus mới, ví dụ biến thể Delta đang hoành hành khắp thế giới? ...Các nhà nghiên cứu mới trả lời được một số câu hỏi trong đó và bước đầu mường tượng được hướng đi cho những năm tiếp theo.

Sự bảo vệ từ kháng thể

Vào ngày 13/5/2020, trước khi ra khơi ở Seattle, tất cả 122 thành viên thủy thủ đoàn trên một chiếc thuyền đánh cá đã được xét nghiệm coronavirus và kháng thể chống virus (tức dấu hiệu cho thấy người đó đã từng mắc virus và khỏi bệnh). Tất cả các kết quả xét nghiệm virus đều âm tính, và có 3 kết quả xét nghiệm kháng thể là dương tính.

Khi con tàu trở về đất liền sau 18 ngày lênh đênh trên biển như một hòn đảo biệt lập, 103 thành viên thủy thủ đoàn đã có kết quả dương tính với virus, nhưng không bao gồm 3 thành viên ban đầu có kết quả dương tính với kháng thể.

Kết quả này đã được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Microbiology vào tháng 10/2020, cung cấp bằng chứng quan trọng cho việc thừa nhận rằng các kháng thể có thể bảo vệ con người khỏi việc tái nhiễm SARS-CoV-2 trong một khoảng thời gian.

Trên thực tế, kháng thể không phải là tuyến phòng thủ miễn dịch đầu tiên của cơ thể. Khi tế bào trong cơ thể gặp virus mới, nó sẽ phản ứng bằng cơ chế gọi là hệ miễn dịch “bẩm sinh” để nhanh chóng chặn đứng các mần bệnh trước khi chúng phát triển ngoài tầm kiểm soát. Cơ chế này giống nhau đối với phần lớn các tác nhân gây bệnh dù mới gặp hay đã cũ.

Vài ngày sau đó, hệ miễn dịch “thích nghi” (được ví như ngôi nhà của trí nhớ miễn dịch) mới được kích hoạt. Chúng nhanh chóng sản xuất ra hàng triệu tế bào B, các tế bào này sẽ sinh ra một loạt kháng thể ngẫu nhiên và đa dạng để thả vào môi trường. Một trong số những kháng thể đó chắc chắn sẽ khớp với mầm bệnh. Những tế bào B tạo ra kháng thể nhắm mục tiêu này sẽ nhận được tín hiệu để nhân lên nhiều lần, sản sinh ra lượng lớn kháng thể di chuyển trong máu để liên kết với các cá thể virus và vô hiệu hóa chúng.

Dịch bệnh và các chinh sách hạn chế đi lại ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nền kinh tế | Ảnh: AA.com
Dịch bệnh và các chinh sách hạn chế đi lại ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nền kinh tế | Ảnh: AA.com

Khi đó, trí nhớ miễn dịch đã bén rễ. Tuy nhiên, trí nhớ miễn dịch có mức độ khác nhau. Các kháng thể chống lại một số loại virus như sởi, quai bị, rubella và đậu mùa tồn tại ở ngưỡng cực kì ổn định trong nhiều thập kỷ, chính vì thế mà những người trên 65 tuổi ở đảo Faroe đã không bị nhiễm bệnh trở lại.

Nhưng không phải tất cả các phản ứng kháng thể đều lâu bền như vậy. Các nhân viên làm việc tại Trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia ở Oregon thường được xét nghiệm máu để xem mức độ phơi nhiễm với các bệnh bắt nguồn từ động vật.

Một nghiên cứu năm 2007 đăng trên The New England Journal of Medicine đã chỉ ra rằng mặc dù mức độ kháng thể của các nhân viên này đối với một số mần bệnh vẫn ở mức cao, nhưng với một số bệnh như uốn ván và bạch hầu, lượng kháng thể đã giảm xuống một nửa trong vòng 10 đến 20 năm.

Vậy kháng thể chống lại SARS-CoV-2 có thể kéo dài trong bao lâu? Còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, qua thời gian dài nghiên cứu các loại virus họ nhà corona là SARS và MERS, các nhà khoa học cho rằng nồng độ kháng thể có thể giảm đáng kể trong 2-3 năm sau khi bị nhiễm trùng.

Tất nhiên, suy giảm mức độ kháng thể không có nghĩa là sức mạnh bảo vệ biến mất. Ngay cả khi nồng độ kháng thể giảm từ mức đỉnh điểm sau đợt nhiễm trùng lần đầu thì chúng vẫn còn đủ để ngăn ngừa việc tái nghiễm hoặc giữ cho việc nhiễm trùng không biến thành bệnh nghiêm trọng. Trên tàu cá, hai trong số ba thuyền viên được bảo vệ từ đợt lây nhiễm lần đầu chỉ có mức kháng thể khiêm tốn, nhưng virus vẫn không ảnh hưởng tới họ.

Những hệ thống phòng ngự khác

Trí nhớ miễn dịch không chỉ được ghi nhớ trên kháng thể. Giáo sư Marion Pepper, nhà miễn dịch học tại Đại học Washington, cho biết: “Cơ thể người có một loạt các tế bào ghi nhớ đang chờ được kích hoạt ”.

Bên cạnh tế bào B chuyên sản xuất kháng thể, các tế bào T chính là những vệ sĩ có khả năng phá hủy tế bào đã bị nhiễm virus. Thông thường các tế bào T hoặc kháng thể được duy trì ở mức thấp trong máu, nhưng khi nhiễm trùng quay trở lại, chúng tăng lên cực nhanh.

“Nếu gặp virus lần đầu, phải mất 5-7 ngày cơ thể mới xây dựng được một phản ứng miễn dịch để thích nghi, nhưng khi gặp lại cùng một mầm bệnh, chúng có thể phản ứng chỉ sau 2-4 giờ”, Giáo sư Pepper nói.

Mùa hè năm ngoái, nhóm nghiên cứu của giáo sư Pepper đã thực hiện một nghiên cứu về khả năng miễn dịch trên 15 tình nguyện viên mắc COVID-19 nhẹ trước đó 3 tháng. Họ không chỉ tìm kiếm kháng thể mà còn cả những tế bào “ghi nhớ” B và T. Chúng là những gã trinh sát sống trong mô và mạch máu của cơ thể để theo dõi sự xuất hiện trở lại của các mầm bệnh, lên tiếng báo động khi gặp kẻ thù cũ và tăng tốc sản sinh ra những tế bào B và T phù hợp.

Giáo sư Pepper cho biết việc tìm ra những tế bào ghi nhớ này có thể gọi là “mò kim đáy bể”, chưa kể những tình nguyện viên chỉ bị lây nhiễm nhẹ, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn tìm được những tế bào chống lại coronavirus. “Điều này mang lại cho tôi niềm tin vào hệ thống miễn dịch,” giáo sư Pepper nói.

Các lớp đan xen

Hệ thống miễn dịch có nhiều lớp chồng chéo nhau để tăng cường trí nhớ, nhưng virus cũng không đứng yên. Khi chúng tích tụ các đột biến, hình dạng của chúng thay đổi và khiến hệ thống miễn dịch khó nhận biết hơn.

Bằng chứng là những người sống sót sau đại dịch cúm năm 1918 có phản ứng miễn dịch mạnh chống lại chủng virus cúm đó trong gần 90 năm, nhưng cứ 5 năm một lần, họ vẫn mắc phải cúm bởi tốc độ đột biến của virus cúm quá nhanh, hầu như năm nào cũng cho ra nhiều biến thể mới đủ để thoát khỏi sự theo dõi của tế bào T. Bên cạnh đó, các kháng thể từng có khả năng bám chặt vào virus gốc cũng bị giảm độ bám với các dạng tiến hóa của nó.

Vậy trí nhớ miễn dịch với SARS-CoV-2 thì sao? Các bằng chứng ngày càng tăng về họ nhà coronavirus cho thấy tình hình không mấy lạc quan. Từ các mẫu máu thu thập trong những năm 1980 và 1990 chứa kháng thể chống phiên bản coronavirus 229E theo mùa lưu hành vào thời điểm đó, các nhà khoa học thấy rằng những kháng thể này không thể nhận ra các biến thể mới của coronavirus cùng loại.

Mặc dù tốc độ đột biến của coronavirus chậm hơn so với virus cúm hay HIV, nhưng sau thời gian khoảng 1-2 thập kỷ, chúng vẫn có thể thay đổi đủ khác để trốn tránh trí nhớ miễn dịch của con người.

Ngày nay, nhiều biến thể SARS-CoV-2 đã xâm nhập trên toàn thế giới, dễ lây lan và gây chết người nhiều hơn so với virus gốc. Các kháng thế được tạo ra để chống lại virus gốc hoặc các vaccine hiện hành đều liên kết kém hơn với các biến thể của virus, tạo cơ hội cho tái nhiễm.

Thành phố Manaus ở Brazil là một ví dụ điển hình. Đầu năm 2020, virus SARS-CoV-2 đã hoành hành ở đây. Kết quả xét nghiệm vào tháng 10/2020 cho thấy một nửa cư dân đã có kháng thể chống COVID-19, do vậy các nhà khoa học tin rằng khu vực này đạt đến mức độ miễn dịch cộng đồng. Nhưng vào tháng 12/2020, thành phố phải hứng chịu làn sóng dịch thứ hai nghiêm trọng hơn, kéo theo số ca nhập viện và tử vong lớn.

Có nhiều suy đoán về nguyên nhân của làn sóng thứ hai này và như mọi đại dịch khác, không có lời giải thích nào là duy nhất. Một số người cho rằng thảm kịch ở Brazil do chính quyền quản lý lỏng lẻo khi nới lỏng các biện pháp hướng dẫn giãn cách xã hội trong dịp nghỉ lễ, trong khi những người khác tin rằng các nghiên cứu trước đây đã đánh giá quá cao mức độ miễn dịch cộng đồng.

Nhưng sự thật không thể chối cãi là biến thể Gamma (P.1) được tìm thấy ở đây vào đầu tháng 12 đã chịu một phần trách nhiệm. Những bằng chứng ban đầu trên bản thảo của một nghiên cứu khoa học chưa bình duyệt tại medRxiv cho thấy kháng thể kém hiệu quả với biến thể Gamma.

Đến cuối đợt dịch thứ hai, khoảng 1/6 ca nhiễm chứa biến thể Gamma là các ca tái nhiễm. Đến tháng 2/2021, biến thể Gamma chịu trách nhiệm cho phần lớn ca nhiễm của thành phố. Nó đã lây lan qua Brazil và giờ đây chiếm tới 1/16 ca nhiễm ở Mỹ.

Tiêm chủng vaccine COVID-19 ở Ấn Độ đang được đẩy mạnh để đối phó với tình hình bệnh tật lây lan nhanh chóng | Ảnh: AP

Tiêm chủng vaccine COVID-19 ở Ấn Độ đang được đẩy mạnh để đối phó với tình hình bệnh tật lây lan nhanh chóng | Ảnh: AP

Trong vài tuần qua, biến thể Delta thậm chí còn gây ra nhiều hoảng loạn hơn. Tuy nhiên, dù biến thể Delta có thay đổi như thế nào thì nó vẫn có những điểm tương đồng với virus gốc. Khả năng miễn dịch của con người là dần dần chứ không phải theo kiểu nhị phân 'có hoặc không'. Giáo sư Scott Hensley, nhà miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania, cho biết: “Rất ít đột biến có thể phá hủy hoàn toàn khả năng nhận biết virus của kháng thể".

Phù hợp với nhận định này, các nghiên cứu tới nay cho thấy vaccine do nhiều công ty phát triển vẫn có thể duy trì khả năng bảo vệ chống lại các biến thể mới, dù cho kháng thể do những vaccine này tạo ra ít hiệu quả hơn một chút khi nhận diện những dạng tiến hóa của virus.

Bên cạnh đó, một đột biến có thể làm giảm khả năng liên kết của kháng thể, nhưng các hệ thống phòng ngự khác vẫn tiếp tục làm việc. Khả năng miễn dịch của tế bào T thậm chí còn bền hơn. Trong khi các kháng thể liên kết với bề mặt protein của virus có thể bị biến dạng, thì các tế bào T có thể nhận ra những mẩu protein ngắn thoát ra từ trong lòng virus. Những mẩu protein này có xu hướng không đổi ngay cả khi bề mặt bên ngoài của virus biến hóa.

Như vậy, hệ thống ghi nhớ miễn dịch có rất nhiều cơ chế dự phòng. Ngay cả khi virus có lách được một số hệ thống phòng thủ miễn dịch, thì nó vẫn có thể vấp phải những hàng phòng ngự khác. Trong khi đó, các thử nghiệm lâm sàng cho thế hệ vaccine tiếp theo đang được tiến hành.

Chống lại chính chúng ta

Về lâu dài, những ký ức miễn dịch của chúng ta có thể bắt đầu chống lại chúng ta. Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu cúm đã quan sát thấy, người lớn sinh ra phản ứng kháng thể mạnh nhất khi chống lại những chủng cúm họ đã gặp thời thơ ấu. Các kháng thể được hình thành trong cuộc chạm trán ban đầu với virus vẫn tiếp tục phản ứng với những đợt lây nhiễm và tiêm chủng diễn ra nhiều thập kỷ sau đó ngay cả khi virus đã tiến hóa, làm cho hệ thống miễn dịch kém hiệu quả hơn trong việc tạo ra những phản ứng miễn dịch mới.

Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là “tội lỗi của những kháng nguyên ban đầu”. Hensley, nhà miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania, nói: “Bạn đánh thức trí nhớ miễn dịch để chống lại những mầm bệnh không còn ở đó nữa”. Hệ thống phòng ngự cứ khăng khăng chiến đấu sống còn với virus bằng những kháng thể không còn hiệu quả.

Trong tương lai xa, “tội lỗi của những kháng nguyên ban đầu” có thể định hình phản ứng của cơ thể chúng ta đối với SARS-CoV-2, khiến con người khó phòng vệ hơn với những chủng virus mới. Đó là một ý tưởng đáng nghiền ngẫm: Đôi khi chúng ta nhớ rõ đến nỗi ký ức trở thành một điểm mù.

Hiện tại, chìa khóa để chống lại dịch bệnh nằm ở việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng toàn cầu để hạn chế sự tiến hóa của virus. Nếu càng nhiều người bị nhiễm thì virus sẽ càng có nhiều cơ hội để đột biến. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, bất kể biến thể mới được tạo ra ở đâu thì chúng cũng đều có thể nhanh chóng càn quét thế giới. Đại dịch sẽ chỉ kết thúc khi mọi người không còn khả năng bị lây nhiễm.

Tái nhiễm thấp và ít nghiêm trọng hơn

Ca tái nhiễm đầu tiên trên thế giới được phân tích vào tháng 8/2020, khi một người đàn ông 33 tuổi bay từ Tây Ban Nha đến Hồng Kông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus tại sân bay.

Cách đó 5 tháng, người đàn ông này vừa bị nhiễm SARS-CoV-2 ở mức nhẹ. Anh chỉ có triệu chứng trong vài ngày và không rõ lý do, không phát hiện kháng thể chống virus trong cơ thể anh. Lần nhiễm COVID-19 thứ hai của anh hoàn toàn không có triệu chứng, và không phát hiện virus trong vòng một tuần.

Giáo sư Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale, viết trên Twitter rằng: “Đây là một trường hợp kinh điển cho thấy cách thức hoạt động của hệ thống miễn dịch. Dù khả năng miễn dịch không đủ để ngăn chặn tái nhiễm, nó cũng đã bảo vệ người đó khỏi bệnh tật”

Có lẽ phản ứng kháng thể trong trường hợp ban đầu của người bệnh là quá nhẹ để ngăn chặn virus, nhưng các lớp miễn dịch khác đã giữ cho virus ở mức kiểm soát. Trong khi đó, sau 5 ngày ở lần nhiễm thứ hai đã phát hiện ra kháng thể, nghĩa là việc phơi nhiễm trở lại với mầm bệnh đã thúc đẩy phản ứng miễn dịch trong cơ thể người đàn ông.

Gần đây, các nghiên cứu quy mô lớn đã bắt đầu định lượng tần suất tái nhiễm coronavirus. Cũng giống như câu chuyện xảy ra trên tàu đánh cá ở Seattle, các dữ kiện chứng minh rằng tỷ lệ tái nhiễm là rất thấp.

Các nghiên cứu từ Đan MạchVương quốc Anh phát hiện, vài tháng sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19, khả năng bị nhiễm virus của người trưởng thành giảm hơn 80%. Ngay cả khi tái nhiễm, chúng cũng thường là những ca nhẹ hoặc hoàn toàn không có triệu chứng. Dù virus có chiếm lĩnh cơ thể, sức đề kháng của con người vẫn có thể hạn chế tác động của virus.

Tình huống tương tự có thể xảy ra với những người đã được tiêm vaccine nhưng vẫn bị nhiễm bệnh. Dữ liệu cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2021, hàng triệu người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong số đó, CDC Mỹ báo cáo,chỉ khoảng 10.000 người bị nhiễm virus và chỉ 1.000 người phải nhập viện.

Điều này nghĩa là chỉ 1/100.000 người Mỹ được tiêm vaccine bị nhập viện do mắc COVID-19 trong khoảng thời gian đó. Các triệu chứng không xuất hiện hoặc nhẹ đến mức nhiều người được tiêm chủng thậm chí còn không nhận ra rằng họ đã tái nhiễm.

Sống chung với coronavirus

Ngày nay, báo cáo về các ca tái nhiễm hoặc tái nhiễm dù đã tiêm vaccine có xu hướng đến như một tin đáng sợ bất ngờ, nhưng chúng ta sẽ dần cảm thấy đó là điều bình thường khi giai đoạn cấp tính của đại dịch sắp kết thúc.

Dù đã có những thành công ngoạn mục trong việc tiêm vaccine thì khả năng xóa sổ hoàn toàn virus hoặc miễn dịch cộng đồng cũng khócó thể xảy ra, bởi virus này đã quá phổ biến và lây lan nhanh. Nhưng về lâu dài, mối quan hệ của chúng ta với virus sẽ có những thay đổi cơ bản.

Tiêm vaccine đã có hiệu quả trong giảm thiểu tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 ở Singapore. Năm 2021, quốc gia này đã bắt đầu triển khai kế hoạch sống chung với COVID-19 | Ảnh: CNN
Tiêm vaccine đã có hiệu quả trong giảm thiểu tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 ở Singapore. Năm 2021, quốc gia này đã bắt đầu triển khai kế hoạch sống chung với COVID-19 | Ảnh: CNN

Hơn một năm trước, chúng ta cũng như những cư dân ở quần đảo Faroe có rất ít khả năng chống lại kẻ xâm lược mới là COVID-19. Và khi sức đề kháng miễn dịch tập thể của chúng ta tăng lên, COVID-19 sẽ chuyển từ trạng thái “đại dịch” sang những "mối đe dọa đặc hữu”.

SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lưu hành ở mức thấp, với tốc độ chậm hơn và phần lớn các ca nhiễm sẽ ít nghiêm trọng hơn. Nó sẽ lây nhiễm chủ yếu cho trẻ em chưa được tiêm phòng (thường sẽ không có triệu chứng và hầu như không bị bệnh nặng) và thỉnh thoảng gây ra những ca bệnh nhẹ ở người lớn đã được tiêm vaccine. Một số nhóm nhất định như người cao tuổi hoặc những người bị suy giảm khả năng miễn dịch sẽ có nguy cơ cao hơn đối với các biến chứng nghiêm trọng. Những người yếu vẫn có thể bị chết vì COVID-19 như chết vì cảm cúm hay viêm phổi.

Nhưng đối với hầu hết những người có sức đề kháng miễn dịch, nguy cơ mắc COVID-19 sẽ tiếp tục giảm cho đến khi nó trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống như bệnh cúm mùa.

Trong lịch sử, điều này không phải là bất ngờ. Kể từ thế kỷ 20, đã có 4 đại dịch cúm xảy ra vào năm 1918, 1957 và 2009. Đằng sau một đợt dịch là một loại virus cúm có thể tiếp tục lây lan trong nhiều thập kỷ. Các nhà khoa học phỏng đoán rằng các loại virus cảm cúm thông thường ngày nay cũng có thể xuất phát từ một trận đại dịch trong quá khứ.

Trong một thế giới chung sống với SARS-CoV-2 đặc hữu, chúng ta sẽ phản ứng với nó giống như với cúm mùa: chúng ta có thể mắc virus, hoặc phải tiêm vaccine khi còn bé và sau đó tiêm nhắc lại hằng năm.

Trong tương lai, chúng ta có thể có những "mùa COVID-19" như mùa cúm vào mùa đông. Cứ vài năm, sẽ có những virus tích tụ đột biến mới xuất hiện khiến mùa COVID-19 trở nên đặc biệt xấu. Chúng ta có thể bị nhiễm COVID-19 vài năm một lần. Đôi khi, triệu chứng sẽ rất nhẹ khiến ta bị ho và mệt mỏi trong 1-2 ngày. Những lần mắc bệnh này sẽ nâng cao sức đề kháng miễn dịch của cơ thể.

Đôi khi sẽ có những ca bệnh nặng, khiến chúng ta nằm giường một tuần hoặc lâu hơn. Khi chúng ta già đi và hệ thống miễn dịch bị suy giảm, khả năng xảy ra các biến chứng sẽ tăng lên giống như ở bệnh cúm. Khi đó, chúng ta nên cân nhắc kế hoạch đi du lịch trong mùa COVID-19 và việc đeo khẩu trang.

Con người muốn coronavirus rút vào lịch sử như việc chúng ta đã loại bỏ hoặc hạn chế các bệnh đậu mùa, bại liệt, sởi, quai bị.... Tuy nhiên, trí nhớ miễn dịch của chúng ta không phải lúc nào cũng kéo dài, đặc biệt đối với một loại virus không ngừng thay đổi như coronavirus. Cơ thể chúng ta không ghi nhớ về COVID-19 một cách hoàn hảo, và vì vậy tâm trí của chúng ta sẽ không thể xao nhãng nó.

Nguồn:

Coexisting with the Coronavirus - Katherine S. Xue / The New Yorker

*Tít phụ do người dịch đặt