Việc bị nhiễm virus corona gây ra căng thẳng, lo âu, thậm chí sợ hãi ở bệnh nhân COVID-19 nhưng còn các bác sĩ, y tá – những người chăm sóc và điều trị họ, ở trạng thái tâm lý gì? Với câu hỏi này, TS Dương Văn Tuyển (trường Khoa học dinh dưỡng và Sức khỏe, ĐH Y khoa Đài Bắc, Đài Loan) và các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu ngay trong mùa dịch.

Kết quả đã được công bố trên tạp chí BMJ Open “Impacts and interactions of COVID-19 response involvement, health-related behaviours, health literacy on anxiety, depression and health-related quality of life among healthcare workers: a cross-sectional study”

Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng y tế và các nguồn lực đã được huy động một cách tối đa để đối phó với dịch bệnh và các hậu quả của nó. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế đã vượt xa khả năng cung ứng của ngành, nhất là ở các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp. Mặt khác, khi người dân được khuyến cáo ở tại nhà để làm việc và học tập, thì cán bộ y tế vẫn phải làm việc, tiếp tục chăm sóc và cứu chữa người bệnh. Để tìm hiểu liệu đại dịch có ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống của cán bộ y tế không, chúng tôi đã tiến hành đánh giá các tác động riêng lẻ và tác động phối hợp của lối sống và năng lực sức khỏe lên sự lo âu, trầm cảm, và chất lượng cuộc sống của những người làm việc tại 15 bệnh viện và 4 trung tâm y tế ở trên khắp ba miền. 7124 người tham gia với độ tuổi từ 21 tới 60 (27,0% là người được điều động vào quá trình chống dịch tại các khoa phòng hoặc cơ sở khác) đã cung cấp các thông tin cơ bản, các dấu hiệu lâm sàng, hành vi lối sống, năng lực sức khỏe (Health Literacy), dấu hiệu lo âu (Generalized Anxiety Disorder, GAD-7), dấu hiệu trầm cảm (Patient Health Questionnaire, PHQ-9), và chất lượng cuộc sống (Health-related Quality of Life, SF-36).

Thông thường, các cán bộ y tế ở độ tuổi từ 41-60, có điểm số về năng lực sức khỏe cao với có khả năng chi trả y tế tốt, chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì chế độ tập luyện thể lực, nhưng lại có mức độ lo âu và trầm cảm cao khi làm việc ở khu vực tuyến đầu nơi tiếp xúc với bệnh nhân mới… Trong đại dịch, 95,7% cán bộ y tế duy trì thói quen ăn uống như cũ hoặc ăn lành mạnh hơn, 61,6% duy trì chế độ tập thể dục như cũ hoặc tập nhiều hơn còn tỷ lệ hút thuốc hoặc sử dụng các chất có cồn chỉ chiếm tương ứng là 3,6% hoặc 4,0%. Tuy nhiên, số người có biểu hiện lo âu là 6,6% và trầm cảm là 7,9%, điểm chất lượng cuộc sống trung bình là 73,3/100 điểm. Những cán bộ y tế tham gia chống dịch có mức nguy cơ lo âu tăng 4,4 lần, trầm cảm tăng 3,3 lần, và chất lượng cuộc sống giảm 2,1 điểm so với người không tham gia chống dịch.

Chúng tôi nhận thấy rằng, trong số các cán bộ y tế tham gia vào chống dịch, việc duy trì chế độ tập luyện thể lực hoặc chế độ ăn lành mạnh góp phần làm giảm các biểu hiện lo âu (tương ứng giảm 50% hoặc 65%), và giảm các biểu hiện trầm cảm (tương ứng giảm 60% hoặc 46%). Việc duy trì tập luyện còn góp phần làm tăng chất lượng cuộc sống (tăng 2,1 điểm). Tuy nhiên, việc hút thuốc và sử dụng nước uống có cồn để giảm lo âu và trầm cảm trong chống dịch không cải thiện được chất lượng cuộc sống. Trong tham gia chống dịch, nếu năng lực sức khỏe của các cán bộ y tế cao hơn sẽ góp phần làm giảm lo âu (giảm 43%), giảm trầm cảm (giảm 37%), và chất lượng cuộc sống cao hơn (tăng 1,1 điểm).

Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống của cán bộ y tế nói chung và người tham gia chống dịch nói riêng đều bị ảnh hưởng. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những chiến lược phù hợp và can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe tâm thần, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ y tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong quản lý dịch bệnh bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực sức khỏe cho cá nhân, cơ quan, và cộng đồng sẽ là một can thiệp mang tính chiến lược giúp nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho mọi người, đặc biệt là cán bộ y tế tham gia vào quá trình chống dịch.