Các nhà khoa học tại Anh cho biết, đeo răng giả có thể gây ra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, bởi vì người đeo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi ăn các thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
Phát hiện trên là của một nhóm những nhà nghiên cứu tại Đại học King College London (Anh).
Người đeo răng giả thường tránh ăn những thực phẩm, mặc dù khó nhai song đem lại lợi ích cho sức khỏe, dẫn tới việc thiếu hụt dinh dưỡng.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với những người bị rụng răng, khi họ gặp không ít trở ngại trong việc nhai thức ăn sao cho đúng cách. Kết quả này được công bố trên Tạp chí Geriatrics & Gerontology International.
Trong cả hai trường hợp, đeo răng giả hay rụng răng đều liên hệ mật thiết tới sự suy yếu của khớp và cơ, làm tăng nguy cơ rạn xương và gãy xương ở người. Mặc dù đeo răng giả có thể giúp cải thiện chức năng nhai, nhưng lực cắn của răng giả vẫn yếu hơn nhiều so với răng tự nhiên.
Wael Sabbah, bác sĩ tại Viện Nha khoa King's College London, cho biết: "Những người có bộ răng không đầy đủ thường ít ăn được các thực phẩm cứng hơn, vì chúng rất khó nhai, chẳng hạn một số loại trái cây và rau tươi, táo, lê, cà rốt, quả hạch, … Ngoài ra, họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc ăn một số thực phẩm nấu chín như thịt, tùy thuộc cách nấu".
Hiện nay, khoảng 11 triệu người ở Anh đang đeo răng giả; số người rụng răng chiếm khoảng 6% dân số; trong khi tỷ lệ những người phải nhổ ít nhất một cái răng là gần 74%.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra sức khoẻ của hơn 1.800 người, độ tuổi trung bình là 62, được chia thành ba nhóm: những người còn ít nhất 20 cái răng; người đeo răng giả có ít hơn 20 răng; và người cũng có ít hơn 20 cái răng nhưng không đeo răng giả. Tất cả các nhóm đều được kiểm tra sức khỏe toàn diện, bao gồm chỉ số cơ thể BMI, sức khỏe răng miệng và chế độ dinh dưỡng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, hai nhóm những người có ít hơn 20 răng, cả đeo răng giả và không đeo, tiêu thụ ít chất dinh dưỡng hơn so với lượng khuyến cáo mỗi ngày. Khoảng 32% số người trong nhóm này cảm thấy sức khỏe cơ thể rất yếu đuối, và 20% có khả năng bị thiếu dinh dưỡng.
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cơ bắp và ngăn chặn sự suy yếu của xương. "Tuy nhiên, hiện có rất ít nghiên cứu xem xét mối liên hệ giữa tình trạng răng miệng, số lượng răng với sức khỏe cơ thể. Vì vậy, phát hiện quan trọng của nghiên cứu này là đã chỉ ra mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng với sự thiết hụt dinh dưỡng của cơ thể, bất kể người tham gia có sử dụng răng giả hay không" - Sabbah nói.
Sabbah cho biết thêm, phần lớn các nỗ lực cải thiện sức khỏe của con người cho đến nay vẫn chỉ tập trung quanh việc xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục, tuy nhiên lại ít coi trọng những ảnh hưởng tình trạng răng miệng đối với việc thiếu hụt chất dinh dưỡng.
"Do đó, kết quả nghiên cứu trên đây đã nêu bật tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng chương trình chăm sóc răng miệng toàn diện, để giúp cho tất cả mội người, nhất là người cao tuổi duy trì được chức năng của bộ răng trong suốt cuộc đời" - Sabbah nói.