Các nhà khoa học khẳng định, rau non được thu hoạch ngay trước khi cây sử dụng chất dinh dưỡng cho sự tăng trưởng nên chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nhất trong cuộc đời của chúng.
Hàng loạt loại rau như húng quế, rau mùi tây, rau mùi, củ cải, xàlách, thì là, mù tạt, cải xoăn, củ cải, bắp cải, càrốt… đang được trồng và thu hoạch theo kiểu rau non - đúng theo xu hướng ẩm thực đang ngày càng thịnh ở phương Tây. Tại sao loại rau này được ưa chuộng đến như vậy?
Theo nghiên cứu của Đại học Maryland và Bộ Nông nghiệp Mỹ, rau non chứa các chất dinh dưỡng đặc biệt nhiều hơn từ 4-40 lần so với loại rau được thu hoạch ở thời điểm trưởng thành.
Chúng rất giàu vitamin và carotenoids - một dạng sắc tố hữu cơ có trong thực vật và các loài sinh vật quang hợp.
Carotenoids là chất chống ôxy hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng cường hệ thống miễn dịch và làm chậm xuất hiện các bệnh mạn tính của tuổi già.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, bắp cải đỏ non có lượng vitamin C cao gấp 6 lần và lượng vitamin E gấp 40 lần so với giai đoạn trưởng thành.
Năm 2014, Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố kết quả một nghiên cứu đánh giá các thành phần dinh dưỡng chủ yếu như vitamin K, E, C và beta-carotene - tiền chất của vitamin… trên lá mầm của 25 loại rau non phổ biến nhất.
Theo đó, rau non nói chung chứa hàm lượng vitamin và carotenoids cao gấp 5 lần so với rau trưởng thành - Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đưa ra quan điểm, giá trị dinh dưỡng của rau non xứng đáng để con người đầu tư thêm công sức cho việc tìm phương pháp giữ tươi và rút ngắn thời gian phân phối nó.
Tuy nhiên, theo nhà khoa học người Mỹ Gene Lester, rau non dù có rất nhiều lợi ích, nhưng sẽ không thể thay thế hoàn toàn các loại rau trưởng thành.
Nguyên nhân là bởi rau non không có đủ chất xơ - một chất tuy không cung cấp dinh dưỡng, nhưng vô cùng quan trọng đối với quá trình tiêu hóa và sức khỏe của con người.
Lê Mai (Theo Ecowatch)